Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và “bài toán” sản phẩm: Vùng du lịch có đặc trưng riêng biệt (Bài 1)

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và “bài toán” sản phẩm:  Vùng du lịch có đặc trưng riêng biệt (Bài 1)

Ở phía Nam đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng đối với quốc gia. Trong phát triển du lịch, đây là vùng có đặc trưng riêng biệt, nổi bật. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn chưa tương xứng tiềm năng, còn nhiều dư địa phát triển. Tìm lời giải cho bài toán sản phẩm để vừa khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, vừa xóa định kiến “đi một nơi biết cả vùng” là vấn đề nhiều chuyên gia, nhà quản lý và chính doanh nghiệp dịch vụ, du lịch quan tâm, đóng góp vào phát triển bền vững du lịch vùng. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh nội dung này qua hai bài viết: Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và “bài toán” sản phẩm.

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và “bài toán” sản phẩm:  Vùng du lịch có đặc trưng riêng biệt (Bài 1)  ảnh 1Vùng đất Chín Rồng là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm quốc gia, có vị trí nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam, nơi hình thành sản phẩm du lịch độc đáo của vùng như trải nghiệm miệt vườn sông nước, rừng ngập mặn, đi chợ nổi… Ảnh: Trọng Chính

Bài 1: Vùng du lịch có đặc trưng riêng biệt
Vùng đất Chín Rồng không chỉ là nơi có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, vựa trái cây, thủy sản, lúa của cả nước mà còn là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm quốc gia, có vị trí nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và “bài toán” sản phẩm:  Vùng du lịch có đặc trưng riêng biệt (Bài 1)  ảnh 2Du khách tham quan tại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, huyện Mộc Hóa( Long An). Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Từ tài nguyên đến các sản phẩm đặc thù

Đề cập về nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định, trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam các thời kỳ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn được định vị là vùng du lịch, có những đặc trưng riêng biệt, có các quan hệ liên kết nội vùng, ngoại vùng để phát triển du lịch.

Theo ông Phạm Văn Thủy, tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật nhất tạo nên giá trị đặc thù, các sản phẩm du lịch khác biệt của Đồng bằng sông Cửu Long là cảnh quan sông nước - miệt vườn gắn với hạ lưu sông Mekong có 9 nhánh cửa sông đổ ra biển và hệ thống kênh rạch chằng chịt, cồn, cù lao, miệt vườn, đồng ruộng và vườn cây ăn trái tại vùng ven sông, cù lao.

Vùng có các hệ sinh thái rất đặc trưng là khu vực ngập nước Đồng Tháp Mười, khu vực ven biển hạ lưu sông Tiền, sông Hậu với hệ thống cồn, cù lao, khu vực tứ giác Long Xuyên trù phú và khu vực bán đảo Cà Mau với rừng ngập mặn ven biển. Từ đó, hình thành đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa...

Không những thế, đây còn là nơi có các Vườn Quốc gia, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Các tài nguyên du lịch biển, đảo góp phần hình thành nhiều sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng nổi bật, trong đó có thành phố biển đảo Phú Quốc cùng các đảo, quần đảo ven bờ của huyện Kiên Hải, thành phố Hà Tiên..., ngoài ra, còn một số bãi biển ở các tỉnh phía Đông đồng bằng và mũi Cà Mau.

Vùng đất “Chín Rồng” còn là nơi có nhiều sản phẩm du lịch gắn với lịch sử hình thành và phát triển vùng, nét văn hóa đa dạng, giao thoa của đồng bào các dân tộc cùng đoàn kết sinh sống tự bao đời.

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và “bài toán” sản phẩm:  Vùng du lịch có đặc trưng riêng biệt (Bài 1)  ảnh 3Tồn tại cả trăm năm nay, chợ nổi là nét văn hoá điển hình của những người dân miệt vườn và dù nghề kiếm sống trên sóng nước đầy nhọc nhằn vất vả thì bên trong chiếc ghe bầu của họ cũng có góc riêng mang dấu ấn của mỗi gia chủ. Ảnh: Trọng Chính

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường khẳng định, đây là vùng đa dạng sinh học với các khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, đất ngập nước, có núi rừng, biển đảo… hệ thống sông rạch dày đặc, vườn cây ăn trái 4 mùa trĩu quả, đan xen những cánh đồng lúa được bồi đắp phù sa của dòng Mekong.

Người dân đồng bằng hào sảng, nghĩa tình cùng phong tục tập quán lâu đời, có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, lễ hội và nét văn hóa đặc trưng, sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc anh em… đã hình thành sản phẩm du lịch độc đáo của vùng như trải nghiệm miệt vườn sông nước, rừng ngập mặn, rừng ngập ngọt, đi chợ nổi, thưởng thức nghệ thuật Đờn ca tài tử…

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, với đa dạng sản phẩm du lịch, năm 2019 - thời điểm phát triển mạnh của du lịch Việt Nam trước khi COVID-19 bùng phát, tổng lượng khách du lịch đến các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đạt 46,4 triệu lượt, chiếm khoảng 45% tổng lượt khách du lịch của cả nước.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, đóng góp đáng kể vào phát triển, định vị điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Cùng với đó, dù tài nguyên du lịch rất đa dạng song thực tế nhiều địa phương thuộc vùng lại có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa dẫn đến sản phẩm du lịch còn có sự trùng lặp, đơn điệu.

Bà Phan Yến Ly, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch, Giám đốc Công ty Tư vấn truyền thông và sự kiện Cánh Cam lấy ví dụ, trước đây, một trong những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn là “tát mương, bắt cá”, thu hút nhiều du khách. Giờ đây xảy ra tình trạng nhắc đến du lịch nông nghiệp là nhiều nơi đều có “bắt cá, tát mương” khiến sản phẩm bị trùng lặp.

Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy phân tích, một trong những hạn chế lớn của Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển du lịch trong nhiều năm qua là vấn đề trùng lắp sản phẩm du lịch do cùng khai thác sắc thái chung của tài nguyên tự nhiên là sông nước, miệt vườn. Một số địa phương chưa thực sự khai thác, phát huy thế mạnh riêng để xây dựng “mỗi địa phương một sản phẩm đặc thù” nhằm giảm sự trùng lắp về sản phẩm, tăng sức hấp dẫn thu hút khách đến từng địa phương; việc khai thác các giá trị gia tăng của sản phẩm du lịch chưa nhiều. Do đó, đến nay, dù lượng khách đến toàn vùng chiếm gần 1/2 so với cả nước nhưng tổng thu từ du lịch chỉ chiếm khoảng dưới 10%.

Cùng chung nhận định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Hữu Hiệp cho rằng, hiện nay, ở đồng bằng, nhiều sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, thiếu sự đầu tư dài hạn, liên kết. Cách làm du lịch có nơi vẫn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Cùng với đó, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và liên kết chuỗi giá trị du lịch cũng là những điểm yếu, thách thức đối với du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Thanh Trà

Bài 2: Khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên đặc thù

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm