Du lịch biển, đảo Việt Nam (Bài 2)

Khách du lịch tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Khách du lịch tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Bài 2: Phát triển du lịch biển, đảo hài hòa, bền vững

Dù là thế mạnh nhưng theo nhiều chuyên gia, du lịch biển, đảo nước ta vẫn còn có những hạn chế hiện hữu cần giải pháp hợp lý để khắc phục. Đó là việc phát huy giá trị tài nguyên biển mới chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ. Đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập về môi trường, quy hoạch cần giải quyết hài hòa để du lịch biển, đảo phát triển bền vững, tăng được tính cạnh tranh nhờ các sản phẩm hấp dẫn, thân thiện với môi trường.

Du lịch biển, đảo Việt Nam (Bài 2) ảnh 1Khách du lịch tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Còn đó những bất cập cần khắc phục

Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, du lịch khám phá thiên nhiên, ẩm thực, du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng mùa đông… Nơi đây không chỉ có bãi biển đẹp mà còn có nhiều hang động, đảo nhỏ phù hợp để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá. Xét về tiềm năng, Cát Bà được ví như “đảo ngọc” của miền Bắc. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Cát Bà vẫn chưa thực sự bứt phá trong hành trình khai thác, tận dụng ưu thế để phát triển du lịch. Chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ và thời tiết, hầu như du lịch Cát Bà chỉ khởi sắc vào mùa cao điểm hè, còn từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, du lịch Cát Bà hầu như “ngủ đông”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hãng lữ hành, du lịch, Cát Bà hiện vẫn thiếu các cơ sở lưu trú, khách sạn chất lượng, dịch vụ chưa chuyên nghiệp, bài bản. Bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Sun Group chia sẻ: Nhìn chung, cơ sở vật chất du lịch Cát Bà hiện thiếu sự quy hoạch đồng bộ, cơ sở hạ tầng về dịch vụ, lưu trú, ăn uống, giao thông còn lộn xộn, phát triển manh mún. Đặc biệt, thực trạng về tắc đường, tắc phà vào dịp cuối tuần, cao điểm; vấn nạn “chặt chém” du khách mùa cao điểm vẫn tái diễn, trở thành điểm trừ lớn nhất của Cát Bà.

Cũng theo ý kiến của nhiều đơn vị lữ hành, đến Cát Bà từ nhiều năm nay, lịch trình tour cho du khách vẫn chỉ quanh quẩn tắm biển, đi thuyền thăm vịnh Lan Hạ, chèo thuyền, câu mực đêm, tham quan pháo đài thần công, ăn hải sản, nghỉ dưỡng... Hoạt động du lịch đêm chỉ là dạo chợ hoặc đạp xe. Cát Bà còn thiếu những điểm vui chơi giải trí chất lượng, hấp dẫn nên chưa thể giữ chân du khách ở lại trải nghiệm dài ngày. Một số hoạt động như leo núi, khám phá Rừng Quốc gia Cát Bà thường chỉ thu hút thanh niên…

Ở phía Nam, đảo ngọc Phú Quốc cũng là một hiện tượng của du lịch Việt Nam về tăng trưởng nhanh chóng. Chỉ trong 5 năm (2014-2019), từ con số chưa đến 1 triệu lượt khách, đến năm 2019, Phú Quốc đã đón hơn 5 triệu lượt khách. Ở đây cũng nhanh chóng xây dựng nhiều khách sạn, resort nghỉ dưỡng sang trọng. Sản phẩm, trải nghiệm, dịch vụ du lịch mới liên tục được bồi đắp, nên du khách có thể ở Phú Quốc đến 5 ngày hoặc hơn thay vì chỉ 2-3 ngày như trước.

Tuy vậy, mỗi ngày ở Phú Quốc thải ra hàng trăm tấn rác nhưng năng lực thu gom mới chỉ đáp ứng trên 60%. Số rác thải chưa được thu gom và nước thải chưa qua xử lý trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Một số bãi biển đã bị ôm nhiễm khá nghiêm trọng do rác thải, gây ảnh hưởng tới cảm nhận của du khách về môi trường của Phú Quốc cũng như sự phát triển du lịch bền vững ở đây. Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển gồm các rạn san hô, thảm cỏ biển ở vùng lõi Khu Bảo tồn biển Phú Quốc cũng có dấu hiệu suy giảm về số lượng, chất lượng do việc đánh bắt, khai thác phục vụ du lịch quá mức…

Theo dự báo, đến năm 2030 du lịch Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch hàng đầu nhưng lượng chất thải rắn từ hoạt động du lịch và sinh hoạt sẽ tăng lên nhanh chóng. Do đó, Phú Quốc buộc phải đưa ra hướng giải quyết phù hợp để phát triển du lịch bền vững, không gây ảnh hưởng đến vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: Một vài đảo hiện nay đang phát triển du lịch rất “nóng” như Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo... Trong khi đó, rác thải, nước thải không được xử lý, bê tông hóa quá nhiều đã phá vỡ tính nguyên sơ…

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận định: Phát triển du lịch tại các đảo vùng ven biển Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số đảo đã phát triển như Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi)… thì nhiều đảo hiện nay còn hạn chế về điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước, viễn thông. Nguồn nhân lực thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; có nơi đầu tư du lịch tự phát, không theo quy hoạch…

Như vậy, với sự phát triển nhanh chóng của lượng khách hàng năm, hoạt động du lịch là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trực tiếp tác động đến hệ sinh thái tự nhiên các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng nước ven bờ bị thu hẹp…, làm cho môi trường biển, đảo địa phương đối mặt với có nguy cơ phát triển thiếu bền vững.

Du lịch biển, đảo Việt Nam (Bài 2) ảnh 2Tàu cá hoạt động trên vùng biển Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Phát triển hài hòa, bền vững, hiệu quả

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định rõ 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có 5 khu vực là thuộc dải ven biển với những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng. Đó là vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây tập trung tới 7/13 di sản thế giới; 6/8 khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa - lịch sử. Các khu vực này cũng tập trung tới 70% khu, điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút khoảng 48 - 65% lượng khách du lịch ở Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, yêu cầu về việc phát triển du lịch biển, đảo hài hòa, bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh, khẳng định chủ quyền quốc gia; phát huy vị thế, vai trò chủ lực trong việc phát triển kinh tế biển bền vững đã và đang đòi hỏi phải có quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển du lịch thực sự chất lượng, hiệu quả. Thêm vào đó, Nhà nước phải có những chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo chất lượng cao ở một số địa bàn trọng điểm; khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển, đảo và các chính sách liên quan khác để tạo sự phát triển đột phá.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Linh (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch): Mỗi địa phương cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất là phải đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, có phương án xử lý rác thải, chất thải, nước thải phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm. Mặt khác, việc phát triển du lịch tại các đảo phụ thuộc khá lớn vào yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, địa chất, địa trấn… Do đó, các địa phương phải sẵn sàng phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn một cách linh hoạt, nhanh chóng để hạn chế tối đa thiệt hại và tác động tiêu cực đến khách du lịch…

Điều đáng mừng là nhiều địa phương có biển, đảo đã quan tâm, ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ môi trường biển. Đặc biệt là người dân, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã chủ động cùng chung tay vào việc thu gom rác thải, trả lại vẻ đẹp tự nhiên, “không rác thải” cho biển xanh.

Các thành viên nhóm IT Phú Quốc và các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối để mang tư duy sống xanh, kết nối xanh vì môi trường biển, đảo Phú Quốc. Tất cả các thành viên ngoài nhặt rác, làm vệ sinh còn gửi thông điệp đến người dân và khách du lịch để cùng tôn trọng, bảo vệ môi trường Phú Quốc.

Mới đây, UBND huyện Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) khởi động chiến dịch giảm rác thải nhựa với nhiều hoạt động thiết thực. Huyện đã chính thức ký cam kết trở thành đô thị giảm nhựa, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Hiện UBND huyện Côn Đảo đã bắt đầu triển khai kế hoạch hành động để đạt mục tiêu giảm 30% lượng rác nhựa thất thoát ra môi trường đến năm 2025. Chính quyền huyện Côn Đảo tin tưởng rằng việc này sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Côn Đảo - điểm đến du lịch hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.

Tỉnh Quảng Ninh, nơi có di sản Vịnh Hạ Long nổi tiếng cũng xác định tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững trên vịnh. Đặc biệt, tỉnh phối hợp với thành phố Hải Phòng lập hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, từ đó mở rộng ranh giới di sản, góp phần bổ sung thêm giá trị nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long…

Du lịch biển, đảo Việt Nam (Bài 2) ảnh 3Cáp treo An Thới - Hòn Thơm (thành phố Phú Quốc) phục vụ du khách. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Năm Du lịch Quốc gia 2022 đang diễn ra tại Quảng Nam có chủ đề là “Du lịch xanh” với những hoạt động thiết thực nhằm truyền tải thông điệp về một vùng đất lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột. Thông qua đó, Quảng Nam cũng kêu gọi mọi người dân, du khách cùng chung tay vì một Việt Nam xanh, góp phần gìn giữ hành tinh xanh cho các thế hệ tương lai. Du lịch Quảng Nam từ lâu đã thu hút du khách trong và ngoài nước, nổi tiếng với phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm… Tỉnh cũng đã phát triển nhiều làng du lịch cộng đồng đặc sắc dọc theo chiều dài hơn 100km bãi biển, gắn với văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc.

Phát triển sản phẩm du lịch xanh, trong đó có du lịch biển, đảo sẽ là xu hướng du lịch tất yếu trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Thông qua du lịch xanh, hài hòa, phát triển bền vững, con người sẽ đề cao ý thức tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học…


Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm