Du khách tham quan nông trại sạch. Ảnh: Ánh Tuyết – TTXVN |
Theo đó, các điểm du lịch kết nối cùng các nông trại sạch và các nghệ nhân, tạo nên một tour du lịch khép kín: Tham quan điểm văn hóa – trải nghiệm làm nông – thưởng thức ẩm thực. Đặc biệt, các món ăn trong tour được thiết kế phù hợp với các điểm du lịch mà du khách tham quan trong ngày.
Hiện có các tour chính được du khách đánh giá độ hài lòng cao như: Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa – Nhà cổ vườn lan - Nông trại xanh Cantho Farm, thưởng thức món “Cục tác hầm hồng đẳng sâm”; Đình Bình Thủy – Nhà cổ vườn lan - Nông trại xanh Cantho Farm, thưởng thức món bánh canh bột xắt; Đình Bình Thủy – Cồn Sơn - Nông trại xanh Cantho Farm, thưởng thức món lẩu nhiệt đới…
Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nhấn mạnh, du lịch là khơi gợi cho du khách sự tò mò tìm hiểu. Để khơi gợi được sự tò mò, người làm du lịch phải có kiến thức và vốn sống phong phú vì du khách đến một điểm du lịch mong muốn khám phá càng nhiều càng tốt về văn hóa bản địa, kiến trúc dân gian, ẩm thực địa phương… Về cơ bản, mô hình “Du lịch ẩm thực cung đình, thực dưỡng” đã đáp ứng được điều đó, khi có được các yếu tố: Cung cấp hiểu biết sâu rộng về điểm tham quan với nhiều giai thoại hấp dẫn, thiết kế tour ít điểm đến nhưng chất lượng, hồi sinh được các món ăn cung đình, món ăn gia truyền xưa với công thức cầu kỳ gắn với điểm tham quan, tên gọi của các món ăn gây sự tò mò thích thú cho du khách…
Bước tiếp theo của khơi gợi tò mò phải là sự “thuyết phục du khách tin”, hay nói cách khác đó chính là sự đặc biệt hóa các sản phẩm du lịch bằng vốn kiến thức văn hóa của đội ngũ người làm du lịch.
Vườn dưa lưới sạch tại Nông trại Cantho Farm. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Bàn về khía cạnh này, nghệ nhân Lê Thị Bé Bảy cho rằng, những điểm du lịch văn hóa lâu đời tại các địa phương là không nhiều, thậm chí ngày càng xuống cấp theo thời gian. Do đó, nếu không tìm tòi để vẽ lại bức tranh đa dạng về phong tục tập quán, kiến trúc, ẩm thực… liên quan đến điểm du lịch văn hóa đó thì du khách sẽ cảm thấy nhàm chán, thậm chí cho rằng “không có gì để xem” và sẽ “một đi không trở lại”.
Dẫn ví dụ, nghệ nhân Lê Thị Bé Bảy nhắc tới địa danh Đình Bình Thủy – ngôi đình cổ nổi tiếng nhất Cần Thơ. Nếu không có sự diễn giải của hướng dẫn viên lành nghề mà để du khách tự khám phá thì chỉ thấy đó là một ngôi đình cũ, nhỏ... Cũng là ngôi đình này, nếu có hướng dẫn viên, du khách sẽ được nghe kể về giai thoại năm 1852, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên một hải thuyền, gặp phải một trận cuồng phong, nhưng nhờ ẩn nấp kịp nơi vàm rạch Bình Hưng nên vô sự... Nguyên do được chỉ ra vì nơi đó có một “vạch nước lặng” kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng, thuyền dừng tại đây thậm chí không cần thả neo cũng không bị nước trôi đi. Ngày nay, du khách vẫn có thể chèo thuyền ra đây để kiểm chứng. Hay như câu chuyện truyền miệng của những người giữ đình nhắc nhở nhau, không được mắc võng giữa các cột trong đình... Rồi đến những món ngon mà người dân dâng cúng tại đình trong những ngày lễ kỳ yên: Cũng là xôi, nhưng xôi ấp Bình Hòa sẽ khác xôi ấp Bình Hưng… Tất cả những món ăn mang hương vị xa xưa, ẩn chứa bí kíp gia truyền, lại mang dáng dấp cung đình ấy sẽ được chính các nghệ nhân ẩm thực – con cháu mấy đời của các gia đình nghệ nhân xưa tái hiện trên mâm cơm đãi du khách khi kết thúc chuyến tham quan Đình Bình Thủy.
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu các loại rau sạch ăn kèm món lẩu. Ảnh: Ánh Tuyết – TTXVN |
Nghệ nhân Dương Hồng Ngọc, con cháu của Dương gia – chủ nhân căn nhà cổ 149 năm của họ Dương nổi tiếng với tên gọi “Nhà cổ vườn lan” ở Bình Thủy chia sẻ, đây là nơi thu hút khách du lịch đến khá đông. Tuy nhiên, hầu hết du khách nếu đi theo hình thức tự túc, không có hướng dẫn viên du lịch hoặc không theo một tour nào thì sẽ biết rất ít về điểm du lịch này. Ngoài nét độc đáo nằm ở sự kết hợp, giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông-Tây theo kiểu “nội ứng ngoại hợp” trong kiến trúc (bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và quang cảnh thiên nhiên), du khách còn được trải nghiệm ẩm thực với các món cung đình hoặc thực dưỡng gắn liền với nơi đây như: Cục tác hầm hồng đẳng sâm, lẩu nhiệt đới, bánh canh bột xắt, pate gan, bánh phồng tôm Dương gia ở làng cổ...
Anh Nguyễn Minh Chiến, chủ nhân điểm du lịch “Cá chảnh ăn chay” tại Cồn Sơn chia sẻ, điểm du lịch của gia đình anh mới được du khách biết đến gần đây. Tuy có nét độc đáo là đàn cá tai tượng khoảng 70 con được nuôi tại gia đình gần 30 năm nay chỉ ăn cơm trắng và phải đút bằng thìa gây sự thích thú cho du khách, nhưng anh cũng ý thức rằng nếu chỉ dừng ở đó thì điểm du lịch của gia đình sẽ không tồn tại được lâu. Do đó, khi có mô hình “du lịch ẩm thực” với sự liên kết giữa các điểm du lịch văn hóa – tâm linh – sinh thái với các đầu mối cung cấp thực phẩm sạch, các nghệ nhân nấu ăn, gia đình anh đã chủ động tham gia. Bước đầu, phản hồi của du khách khá tốt. Du khách sau khi trải nghiệm cho cá ăn, sẽ được tham quan các vườn cây trái trên Cồn Sơn, sau đó là thưởng thức ẩm thực lẩu mắm chua cay với gia vị đặc biệt “ngải bún” bí truyền kết hợp cùng mắm cá được tuyển lựa kỹ…
Món "Lẩu nhiệt đới" theo công thức gia truyền. Ảnh: Ánh Tuyết – TTXVN |
Bên cạnh việc ký kết cung cấp nguyên liệu cho các điểm du lịch khác, khi khách đến Cantho Farm sẽ được thưởng thức những món ăn độc đáo chỉ có duy nhất tại đây như: kem tươi dưa lưới, chè hạnh nhân ngũ sắc nước ép dưa lưới… mang lại sự sảng khoái, thư giãn cho du khách sau một ngày di chuyển mệt mỏi.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, du khách trong đoàn khách đến từ Huế cho biết, gia đình chị đăng ký tour du lịch Cần Thơ 3 ngày 2 đêm. Là ngày cuối trong tour, nhà chị được đưa đi tham quan Đình Bình Thủy, Nhà cổ vườn lan và điểm cuối là nông trại Cantho Farm. Điều chị tâm đắc nhất chính là sự điều phối các điểm tham quan hợp lý, du khách có thời gian thăm thú, chiêm nghiệm chứ không phải “đi tham quan như chạy giặc”, đồng thời ẩm thực ngon và các câu chuyển về ẩm thực rất thú vị, thay vì ăn uống qua loa như các tour khác.
Món chè khúc bạch dưa lưới hoa đậu biếc độc quyền tại Nông trại Cantho Farm. Ảnh: Ánh Tuyết – TTXVN |
Để làm được điều này đòi hỏi có sự chung tay của các cấp chính quyền, các tổ chức và cá nhân. Các viện, trường đào tạo nhân lực cung cấp cho ngành du lịch cần phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, chuẩn hóa đầu ra, đặc biệt là ngoại ngữ và văn hóa dân gian. Các đơn vị quản lý phải siết chặt khâu cấp bằng hành nghề đối với hướng dẫn viên và kiểm tra thường xuyên để có những chế tài phù hợp. Những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên cần luôn ý thức trọng trách của mình ở vai trò “đại sứ” – người kết nối và khơi gợi tò mò khám phá cho du khách.
Ánh Tuyết