Đến nay tỉnh Đồng Tháp hiện có 40 làng nghề truyền thống đã được công nhận theo quy định. Các sản phẩm khá đa dạng tập trung chủ yếu vào 3 nhóm chế biến và bảo quản nông, lâm thuỷ sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Tổng doanh thu của làng nghề, làng nghề truyền thống hơn 2.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 8.600 lao động.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, các làng nghề, làng nghề truyền thống có 3.890 cơ sở với hơn 8.600 lao động, thu nhập bình quân khoảng 4,9 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề ở ở Huyện Lai Vung có các sản phẩm từ nghề truyền thống Nem Lai Vung; thành phố Sa Đéc có 10 sản phẩm từ bột thuộc làng nghề truyền thống sản xuất bột; huyện Hồng Ngự có sản phẩm từ làng nghề dệt choàng Long Khánh A; ở huyện Thanh Bình có sản phẩm từ làng nghề đan giỏ xách; huyện Tam Nông có sản phẩm từ làng nghề khô cá lóc; làng nghề truyền thống đan mê bồ ở thành phố Cao Lãnh; làng nghề sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất khoảng 7 triệu đồng/người/tháng; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ thu nhập thấp nhất khoảng 2,42 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, các địa phương đang tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất việc đăng ký bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại để gắn kết trong chuỗi sản phẩm OCOP.
Nổi bật là làng nghề khô cá lóc xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “khô Phú Thọ”, có gần 200 hộ sản xuất, chủ yếu là khô cá lóc, sản lượng bình quân đạt hơn 608 tấn cá khô/năm. Thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm khô cá lóc là ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Thu nhập bình quân mỗi hộ làm nghề khô cá lóc là 200 triệu đồng/năm.
Cơ sở sản xuất khô cá lóc Út Trinh ở ấp Phú Thọ A, xã Phú Thọ sản xuất với số lượng lớn khô cá lóc trong làng nghề. Chị Út Trinh chủ cơ sở cho biết, mỗi ngày thu mua từ 1-1,5 tấn cá lóc nguyên liệu để chế biến ra gần 300 - 400 kg khô. Từ sáng sớm, đến chiều cơ sở sản xuất khô cá lóc của chị Út Trinh có gần 20 lao động để sản xuất các công đoạn đoạn như làm cá, xẻ cá, ướp cá, đưa đi phơi nắng… Mỗi lao động nơi đây có thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày tùy theo công đoạn.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, ở Lai Vung có nghề làm nem ra đời vào năm 1960. Dù trải qua bao thăng trầm, nhưng nghề làm nem Lai Vung vẫn tồn tại và phát triển. Lúc đầu chỉ có một vài hộ làm nem, đến nay toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Giáo Thơ, Út Thẳng, Hoàng Khánh, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Cô Hiệp… thu hút hơn 300 lao động tham gia, tổng sản lượng nem sản xuất ra hàng trăm nghìn chiếc mỗi ngày, giá trị tổng sản lượng ước đạt trên 60 tỷ đồng/năm.
Năm 2012, nem Lai Vung được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong top 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng Việt Nam. Đặc biệt, năm 2013, nem Lai Vung nằm trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố. Một số cơ sở sản xuất nem Lai Vung đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao có mặt trong top những mặt hàng quà tặng đặc sản địa phương.
Xứng danh nhất là nghề làm bột gạo Sa Đéc, nghề làm bột Sa Đéc, thành phố Sa Đéc xứng danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, nghề làm bột Sa Đéc có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc. Thị trường tiêu thụ bột ngày càng phát triển, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân hàng trăm tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra sản phẩm ăn liền như mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo….
Nghề làm bột gạo Sa Đéc là đầu mối cung ứng bột cho khắp các tỉnh miền Tây, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và một số nước châu Âu. Nghề làm bột ở Sa Đéc đã tạo ra công ăn việc làm cho 2.000 lao động, sản xuất trên 50.000 tấn bột/ năm.
Hiện tại, Sa Đéc đã hình thành và duy trì hoạt động hiệu quả 1 điểm du lịch cộng đồng tại làng nghề truyền thống sản xuất bột gạo. Tại đây, trưng bày giới thiệu quy trình sản xuất bột gạo Sa Đéc qua các thời kỳ, sản phẩm sau bột và ẩm thực các món ăn chế biến từ bột gạo. Các sản phẩm OCOP làm từ bột Sa Đéc được xếp hạng 4 sao như bột gạo lứt lúa mạch hạt sen, bánh hỏi khô, bột bánh xèo cốt dừa, nui gạo, bún gạo lứt, hủ tiếu gạo lứt, phở gạo lứt, hủ tiếu khô, phở khô…
Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, kết hợp làng nghề truyền thống với du lịch. Theo đó, các địa phương tổ chức trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề truyền thống phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch; thực hiện rà soát, phê duyệt danh sách các điểm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương hoàn chỉnh một số mô hình, điểm du lịch gắn với nghề, làng nghề truyền thống như tái hiện không gian chợ chiếu (chợ ma) gắn với làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên ở huyện Lấp Vò; điểm tham quan du lịch trải nghiệm làng nghề dệt Choàng Long Khánh ở huyện Hồng ngự; điểm tham quan Vườn Dừa mở tour du lịch trên sông gắn kết với nghề truyền thống sản xuất nem huyện Lai Vung và làng nghề truyền thống đóng xuồng ghe ở Rạch bà Đài, huyện Lấp Vò.
Tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của các làng nghề; khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Nguyễn Văn Trí