Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành các kế hoạch hành động cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thực hành sản xuất an toàn gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu đến năm 2025, Đồng Tháp cấp mã số vùng trồng lúa đạt 100% diện tích.
Đến đầu tháng 6/2023, tỉnh Đồng Tháp được cấp 355 mã số vùng trồng trên lúa với tổng diện tích 48.963 ha (chiếm 25% diện tích canh tác lúa). Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 6.000 ha; diện tích được chứng nhận VietGAP hơn 4.000 ha.
Đa số nơi được cấp mã vùng trồng lúa có xu hướng dịch chuyển cơ cấu từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, nếp và tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%.
Điển hình được cấp mã vùng trồng lúa là huyện Tháp Mười. Từ năm 2021-2023, huyện Tháp Mười có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm duy trì trên 100.000 ha. Trong đó, diện tích liên kết trong sản xuất lúa mỗi vụ khoảng 25.000 ha, có 21 mã vùng trồng lúa được cấp mã số với diện tích gần 2.760 ha.
Ông Ngô Thanh Bình ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cho biết, trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân gặp nhiều khó khăn từ đầu vào đến đầu ra. Khi có mã vùng trồng và liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, người sản xuất được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch. Từ đó, mỗi vụ, ước tính năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với những giống khác, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại huyện Tháp Mười, địa phương đủ điều kiện được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã vùng trồng lúa là xã Mỹ Đông và xã Láng Biển. Qua kiểm tra, đánh giá, 12 mã vùng trồng ở 2 xã này đáp ứng TCCS 774: 2020/BVTV, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU và đã được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã vùng trồng. Đa số mã vùng trồng lúa sản xuất giống lúa Đài Thơm 08 và OM 18.
Tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình được thực hiện tại ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông với quy mô 50ha có 24 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa OM 18 cấp xác nhận. Mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm tiết kiệm công lao động, giảm thất thoát trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Mô hình nhằm kết nối các dự án hiện có, tạo vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc xuất khẩu.
Để đạt các quy định cấp mã vùng trồng, tỉnh Đồng Tháp chú trọng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thống nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP...) hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; xây dựng và nhân rộng diện tích sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển nông sản an toàn, nông sản hữu cơ gắn chứng nhận mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc...
Nguyễn Văn Trí