Đồng mía lớn thay đổi cuộc sống người Bahnar

Làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai) từng là vùng đất khô khát, nông dân chỉ quanh quẩn với cây lúa, cấy bắp hiệu quả kinh tế thấp. Ngày nay, nhìn từ trên cao, một màu xanh bạt ngàn của cây mía đã trải rộng trên khắp cánh đồng, thay đổi hoàn toàn diện mạo vùng đất này. Đây là kết quả của việc người Bahnar nơi đây tham gia cánh đồng mía lớn.

4-nguoi bahnar trong mia-hoai nam.jpg
Cánh đồng mía lớn tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam

Câu chuyện về người Bahnar ở làng Bờ làm cánh đồng mía lớn bắt đầu từ năm 2017. Thời điểm đó, đồng bào còn khá e dè và chỉ có 20 hộ tham gia. Về sau, hiệu quả cánh đồng mía lớn được chứng thực thì số thành viên tham gia cũng tăng lên gấp 4 lần. Anh Đinh Hyon, một nông dân ở làng Bờ cho biết, gia đình anh trồng 3 ha mía. Năm nay mía được mùa, chắc thu được trên 200 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng.

3-nguoi bahnar trong mia-hoai nam.jpg
Mía nguyên liệu được Nhà máy đường An Khê liên kết bao tiêu. Ảnh: Hoài Nam
5-nguoi bahnar trong mia-quang thai.jpg
Vùng nguyên liệu mía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai hiện có trên 100 cánh đồng lớn với hơn 3.000 ha. Ảnh: Quang Thái

Theo thống kê của Nhà máy đường An Khê, vùng nguyên liệu mía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai hiện có trên 100 cánh đồng lớn với hơn 3.000 ha. Trong các nhóm liên kết này, có rất đông thành viên là các hộ người Bahnar thuộc 4 huyện trọng điểm mía gồm An Khê, Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro cùng tham gia. Đây là sự chuyển biến tích cực trong tư duy và thực tiễn sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo.

Hoài Nam

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm