Khu du lịch sinh thái Phú Hữu.
UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10-6-2014 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 09). Mục đích của việc này nhằm tiến hành khai thác có hiệu quả tiềm năng, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các hoạt động và xây dựng sản phẩm trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Từ khi phụ trách lĩnh vực này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, đi các nơi để học tập kinh nghiệm xây dựng và đầu tư phát triển du lịch. Tôi cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều người để vạch ra tiến trình phát triển của du lịch Hậu Giang. Trong những năm qua, đã có một số dự án du lịch được đầu tư và đang từng bước hoàn thiện. Ngành chức năng cũng nghiên cứu để xây dựng điểm du lịch cộng đồng, định hướng cho người dân làm du lịch. Với việc Nghị quyết 09 ra đời, du lịch Hậu Giang chắc chắn sẽ chuyển mình trong thời gian tới. Thế nhưng, cần thấy rằng, hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức đối với du lịch Hậu Giang, như: thiếu cơ sở hạ tầng, yếu về nhân lực. Hệ thống lưu trú cũng còn nhiều hạn chế, chưa có khách sạn nào đạt hạng sao. Còn các điểm du lịch có hoạt động, nhưng hiệu quả chưa cao, sản phẩm đơn điệu… Từ đó, lượng khách đến Hậu Giang trung bình hàng năm chỉ khoảng 100.000 người, chủ yếu qua các kỳ lễ, hội… Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận vùng đất này nhiều tiềm năng, từ hệ thống sông ngòi chằng chịt, vùng đất giàu sản vật, có chợ nổi, làng nghề truyền thống, nhiều di tích lịch sử và cảnh đẹp, như: bờ kè kênh xáng Xà No, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, rừng tràm Vị Thủy. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông được mở rộng, làm mới đã tạo điều kiện liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù… Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng, Tổng Cục phó Tổng cục Du lịch, nhận xét: “Hậu Giang là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch và chưa bao giờ du lịch được coi trọng như hiện nay. Đây chính là cơ hội để vực dậy, khai thác du lịch của tỉnh. Trong đó, biến Nghị quyết 09 thành hành động là trách nhiệm của những người làm du lịch ở địa phương. Theo tôi, Hậu Giang cần tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với thị trường du lịch; liên kết ngành, liên kết vùng và các doanh nghiệp du lịch, các phương tiện truyền thông để giới thiệu, đưa khách đến, nối tua…; đào tạo nguồn nhân lực, về chuyên môn, kỹ năng lẫn ngoại ngữ cho ngành du lịch”. Nghị quyết 09 là cột mốc quan trọng để du lịch Hậu Giang chuyển mình. Tuy nhiên, để biến những kế hoạch trên giấy bằng những việc làm cụ thể, từ phân kỳ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch đặc thù đến đội ngũ con người là điều không dễ dàng. Ngoài nguồn vốn thì điều quan trọng không kém chính là sự sáng tạo của những người làm du lịch, để có thể tạo được những điểm nhấn riêng thu hút du khách. Ngoài ra, cần có sự liên kết với các đơn vị du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh, để chọn lọc xây dựng tua, kết nối tua một cách chuyên nghiệp, mới lạ. Tuy chỉ mới là khởi đầu trong giai đoạn phát triển mới, nhưng bức tranh về du lịch Hậu Giang đã từng bước được định hướng rõ ràng, sáng sủa hơn.
Hiện tại, Hậu Giang có 9 dự án du lịch đang kêu gọi đầu tư: Khu du lịch Hồ Sen, Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu, Khu du lịch Hồ Tam Giác, chợ nổi Ngã Bảy, Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Du lịch cộng đồng vùng quýt đường Long Trị, Du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc, Khu du lịch Căn cứ Thị xã ủy Vị Thanh, Khu du lịch sinh thái Ngã Sáu - Phú Hữu. |
Báo Hậu Giang