Đồng Hỷ phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng Hỷ phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp giao thông đi lại thuận tiện, thúc đẩy kinh tế, giao thương phát triển, nâng cao đời sống người dân bằng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).

Là một trong những địa phương ở tỉnh Thái Nguyên có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu… huyện Đồng Hỷ vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện chiếm hơn 13,4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,55%, cận nghèo chiếm 5,88%.

DJI_20240124090225_0004_D.JPG
Huyện Đồng Hỷ được đầu tư xây dựng hạ tầng phù hợp để tạo tiền đề phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Hương Hiền

Để giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới thoát nghèo bền vững, huyện Đồng Hỷ tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án 3) mang lại hiệu quả rõ rệt.

Điểm nhấn đáng chú ý là Đồng Hỷ đã tập trung vào thực hiện 3 đột phá, gồm: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khu hành chính huyện, phấn đấu xây dựng xã Hóa Thượng thành đô thị trung tâm, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025; Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất chè tập trung đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ, khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm chè an toàn, có giá trị cao; xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm chè Đồng Hỷ; Hình thành và phát triển chuỗi các điểm du lịch sinh thái, hang động, văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử gắn với phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

DSC00809.JPG
Đường giao thông liên thôn, liên xã được cứng hóa giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Hương Hiền

Đến xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, có trên 100 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cùng với việc đầu tư về điện, đường, trường, trạm thì công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã giúp người dân nơi đây bớt đi cái khổ vì thiếu nước.

DSC00825.JPG
Bà con đồng bào dân tộc Mông ở xã Quang Sơn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Hương Hiền

Hay kể đến xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn cũng có hơn 110 hộ dân, trong đó có 64 hộ đồng bào Mông. Phần lớn người Mông ở đây đều di cư từ huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đến. Đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Sau nhiều năm định cư ở đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cơ sở hạ tầng ở đây đã khá đầy đủ. Xóm đã có nhà văn hóa khang trang, trẻ em từ mẫu giáo đến bậc tiểu học đều được học tập tại xóm. Giao thông đi lại khá thuận tiện, đời sống kinh tế ngày một nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm mạnh.

DSC00800.JPG
Đồng bào dân tộc Mông phát triển kinh tế gia đình từ những vật nuôi truyền thống như gà đen. Ảnh: Hương Hiền

Ông Dương Văn Sình, trưởng xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang dần đổi thay. Thực tế trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở xóm Trung Sơn đã đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo trong xóm đã giảm hẳn bà con đang tích cực chuyển đổi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.”

DJI_20240124113252_0034_D.JPG
Vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở huyện Đồng Hỷ được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đầy đủ. Ảnh: Hương Hiền

Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, cho biết: Đồng Hỷ là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 3 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021- 2025, địa phương đã triển khai 10 dự án, 11 tiểu dự án và nhiều nội dung chính sách thành phần. Trong đó có nhiều chính sách tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS.

DSC00838.JPG
Bà con dân tộc ở huyện Đồng Hỷ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Ảnh: Hương Hiền

Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho bà con vùng đồng bào DTTS, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và nguồn xã hội hóa, mỗi năm có trên 50 hộ nghèo DTTS được hỗ trợ làm nhà ở. Riêng năm 2023, huyện đã hỗ trợ xây dựng 54 nhà cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở (mỗi hộ được hỗ trợ từ 50 đến 70 triệu đồng).

DSC00887.JPG
Các thiết chế văn hóa được đầu tư giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Hỷ có nơi sinh hoạt văn hóa tập trung khang trang. Ảnh: Hương Hiền

Đối với hỗ trợ phát triển hạ tầng vùng đồng bào DTTS, từ năm 2021- 2023, huyện Đồng Hỷ được phân bổ trên 35 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó ngân sách Trung ương là trên 30 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng mới 43 công trình, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, trường học, tường rào và các công trình phụ trợ; cải tạo, sửa chữa 14 công trình cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.

Ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: “Trong thời gian tới huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người DTTS, vùng sâu, vùng xa, đối tượng khó khăn đồng bào các dân tộc trong huyện. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Phối hợp với tổ chức HaBiTat triển khai thực hiện Dự án “Cải thiện điều kiện sống và định cư cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam”, giai đoạn 2 tại xã Văn Lăng, Tân Long. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 trên địa bàn, chủ động rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ.”

Hương Hiền

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm