Đua ghe Ngo tỉnh Trà Vinh mừng lễ hội Ok Om Bok . Ảnh: Phúc Sơn - TTXVN |
Về huyện Trà Cú, địa phương có trên 25.000 hộ dân tộc Khmer, chiếm hơn 62% số hộ dân của huyện, đồng bào Khmer đang tất bất dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị sản vật để cúng tạ ơn thần mặt trăng. Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, năm nay, bà con Khmer địa phương đón lễ rộn ràng hơn bởi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao mức sống. Giai đoạn 2012-2018, huyện đã giải ngân tổng số tiền hơn 374 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, như đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách giáo dục- đào tạo, dạy nghề, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực giảm nghèo cho đồng bào Khmer… Nhờ vậy, mỗi năm huyện giảm được 5% hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 24 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Kinh tế được cải thiện đáng kể nên đồng bào Khmer địa phương rất phấn khởi, hăng hái tham gia nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng lễ hội Oóc Om Bóc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức. Để chuẩn bị cho lễ hội đua ghe ngo tỉnh Trà Vinh năm 2019 trên sông Long Bình (thành phố Trà Vinh) vào ngày 10/11, hơn nửa tháng qua, 75 nam vận động viên dân tộc Khmer của huyện Trà Cú đang ráo riết tập luyện để tranh tài với các đội ghe ngo ở các huyện, thị xã, thành phổ trong tỉnh. Anh Thạch Prùm Més, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú cho biết, với mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, nhiều năm nay dù bận rộn công việc đồng áng như thế nào, những ngày gần đến lễ hội Ok Om Bok anh cũng sắp xếp dành mỗi ngày khoảng 4 giờ đồng hồ tham gia tập luyện cũng đội ghe ngo địa phương. “Năm nay anh em tập khí thế lắm, hy vọng sẽ đạt thành tích cao”, anh Thạch Prùm Més chia sẻ. Tỉnh Trà Vinh có hơn 320.000 người dân tộc Khmer, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, ngoài việc hỗ trợ đồng bào Khmer địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, các cấp ủy và chính quyền địa phương tỉnh Trà Vinh luôn tạo điều kiện để đồng bào Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình. Hàng năm, vào dịp lễ hội Oóc Om Bóc, tỉnh Trà Vinh đều tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc. Người Kinh, người Hoa địa phương cũng rộn ràng vui chung với đồng bào Khmer, cùng hân hoan chào đón du khách ở các nơi về vui lễ. Năm nay, từ ngày 5 đến ngày 11/11, tỉnh Trà Vinh tổ chức Tuần lễ Nông sản, Du lịch, Ẩm thực gắn với lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer. Tuần lễ gồm các hoạt động chính: đêm khai mạc gắn với chương trình nghệ thuật, hội chợ xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu sản phẩm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 (tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh); hội thảo về giống nông nghiệp, hội thảo du lịch Trà Vinh kết nối hành trình từ sông ra biển. Tại Khu Văn hóa Du lịch Ao Bà Om còn diễn ra hội thi trình diễn trang phục Khmer; liên hoan ẩm thực Nam bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ hai; giải bóng chuyền dân tộc Khmer, các hoạt động thể dục,thể thao, trò chơi dân gian (như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, đập nồi, chạy vòng quanh Ao Bà Om…), triển lãm sách báo, triển lãm các gian hàng của 9 huyện, thị xã, thành phố trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Khmer địa phương… Chiều 10/11, lễ hội đua ghe ngo với các đội ghe ngo đại diện các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ tranh tài tại sông Long Bình (thành phố Trà Vinh). Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, trong Tuần lễ Nông sản, Du lịch, Ẩm thực ngoài việc giúp đồng bào Khmer trong tỉnh vui chơi, giải trí mùa lễ hội và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đây cũng là dịp để các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quảng bá tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh sẽ giới thiệu đến du khách, các địa phương tiềm năng du lịch của tỉnh. Với bề dày văn hóa đặc trưng, hệ thống chùa chiền Phật giáo Nam tông Khmer lâu đời và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Khmer đang sinh sống, Trà Vinh có nhiều điều kiện để phát triển du lịch văn hóa - tâm linh. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sông nước miệt vườn bởi có nhiều cồn nổi, với các vườn trái cây đặc sản trĩu quả. Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thanh Hòa