Quang cảnh gói bánh Tét tại một gia đình đồng bào Khmer Nam bộ. Ảnh: Chanh Đa – TTXVN |
Chúng tôi trở lại ấp Bà Giam B, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, địa phương có 351 hộ dân, trong đó hộ dân tộc Khmer chiếm 98%. Ấp Bà Giam B hôm nay đã thay da đổi thịt. Những con đường sình lầy được thay mới bằng đường bê tông đến tận nhà dân. Ông Thạch Sa Ne, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp cho biết, trước đây ấp Bà Giam B là ấp đặc biệt khó khăn, đa số hộ Khmer đều thiếu đất và vốn sản xuất nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm, ấp đã xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bào Khmer nghèo được tiếp cận nhiều chương trình, chính sách về giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm đáng kể, mỗi năm, ấp Bà Giam B xóa được từ 20-23 hộ nghèo. Thu nhập bình quân của người dân trong ấp hiện đạt 28 triệu đồng/người/năm. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay ấp Bà Giam B đã đạt 7/8 tiêu chuẩn ấp nông thôn mới. Địa phương đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3% để đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần xây dựng xã Đôn Xuân trở thành xã nông thôn mới vào năm 2020.
Bánh Tét được gói bằng tay để làm lễ cúng tổ tiên của đồng bào Khmer Nam bộ. Ảnh: Chanh Đa – TTXVN |
Gia đình ông Thạch Vơ, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, chỉ có 1.000 m2 sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay gia đình có thu nhập rất ổn định nhờ được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Năm 2013, gia đình ông được vay vốn 15 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Ông dùng số tiền này nuôi bò sinh sản; đồng thời chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng lúa sang trồng màu trong nhà lưới. Hiện, ruộng rau của ông luân canh các loại như rau muống, hành lá, khổ qua… 8 vụ/năm, cho thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/năm. Ông cũng xuất bán được nhiều lứa bò con, với mức lợi nhuận 10 triệu đồng/con. Năm 2015, gia đình ông đã trả được nợ ngân hàng, thoát nghèo, kinh tế gia đình ổn định.
|
Bánh Tét được gói bằng tay để làm lễ cúng tổ tiên của đồng bào Khmer Nam bộ. Ảnh: Chanh Đa – TTXVN |
Tỉnh Trà Vinh có dân số hơn 1 triệu người; trong đó khoảng 32% là đồng bào Khmer. Đồng bào Khmer Trà Vinh phần lớn cư trú ở địa bàn nông thôn, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần...
Bánh Tét được gói bằng tay để làm lễ cúng tổ tiên của đồng bào Khmer Nam bộ. Ảnh: Chanh Đa – TTXVN |
Ông Hà Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, từ nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương, xã hội hóa…, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng cho huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, tỉnh Trà Vinh còn hơn 16.400 hộ nghèo, giảm 2,46% so với năm 2017; trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 4,43%. Đến nay, hơn 93% hộ dân tộc Khmer được sử dụng nước hợp vệ sinh, hơn 97% được sử dụng điện an toàn. Toàn tỉnh có 8 trường dân tộc nội trú tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường...
Thanh Hòa