Các cử tri tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN. |
Theo ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Sóc Trăng: Tính đến ngày 18/5, các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được thực hiện tốt, đúng quy trình, đúng thời gian theo luật định. Tỉnh đã thành lập và công bố các tổ chức bầu cử đúng thời gian quy định gồm Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban Bầu cử các cấp; 03 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; các Tổ bầu cử ở 1.316 khu vực bỏ phiếu. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã làm tốt quy trình hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác, tổ chức các cuộc hội nghị để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động, vận động tranh cử. Việc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên được tổ chức chu đáo, không phô trương, hình thức. Công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử được các ngành, các cấp, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng; đặc biệt là quan tâm tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc. Các lực lượng: Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương triển khai các phương án bảo vệ, nhằm đảm bảo an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử.
Hiện tổng số cử tri của tỉnh Sóc Trăng trên 971.500 người đã được niêm yết, các địa phương, xã phường vẫn đang tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách cử tri để chốt danh sách cử tri trước 24 giờ ngày bầu cử theo quy định của pháp luật. Các ứng cử viên các cấp đã có 332 cuộc vận động bầu cử với khoảng gần 30 ngàn lượt người dự, các cuộc tiếp xúc cử tri sẽ tiếp tục được tiến hành đến hết ngày 18/5 theo quy định. Trong thời điểm khó khăn, nhiều người bỏ đi làm ăn xa do hạn hán, mất mùa… Ủy ban bầu cử, các địa phương cần rà soát, liên hệ, chủ động khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả mọi công dân đều được tham gia bầu cử, thực hiện quyền lợi chính đáng của mình.
Sư sãi các chùa trong tỉnh tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN. |
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm hơn 31% dân số của tỉnh. Nhiều địa phương có đông đồng bào Khmer như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Châu Thành, Long Phú… đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021.
Ở huyện Trần Đề, có trên 48% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền về bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp luôn được huyện quan tâm hàng đầu. Tại xã Viên An, nơi có gần 90% dân số là đồng bào Khmer sinh sống không tập trung, nên công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn. Ông Thạch Mến, Bí thư Đảng ủy xã Viên An, cho biết: Chúng tôi tuyên truyền về công tác bầu cử bằng nhiều hình thức, như: qua hệ thống loa truyền thanh; phát loa lưu động đến từng xóm, ấp bằng 2 thứ tiếng Việt và Khmer; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tổ, nhóm của các hội đoàn thể với mục đích làm sao giúp bà con nắm bắt được tầm quan trọng của công tác bầu cử để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Huyện Long Phú có gần 30% dân số là đồng bào Khmer, tập trung đông ở 2 xã Tân Hưng và Long Phú, công tác tuyên truyền về bầu cử đã được địa phương quan tâm, chỉ tuyên truyền những nội dung thật cần thiết, gắn với quyền và nghĩa vụ của cử tri để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, như: Thời gian đi bầu, việc phát thẻ cử tri và việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Đến với các xã, thị trấn của thị xã Vĩnh Châu, nơi có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh với 52% dân số Khmer của thị xã những ngày này, điều dễ dàng nhận thấy là không khí rộn ràng, phố phường như tươi đẹp hơn sau những cơn mưa đầu mùa. Cờ hoa, Pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền bầu cử bằng cả 2 thứ chữ Việt-Khmer tràn ngập phố phường. Tại các điểm dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng hay điểm chùa Khmer, đâu đâu cũng có những chương trình hành động, hình ảnh của các ứng cử viên các cấp được mọi người quan tâm theo dõi. Theo ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu: Hiện công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã hoàn tất, toàn thị xã có trên 127.000 cử tri tham gia bầu cử đợt này, danh sách đã được niêm yết xong ở UBND cấp xã, phường, các tổ bầu cử, trong đó, cử tri người dân tộc Khmer chiếm tới trên 65.000. Xác định đây là địa bàn quan trọng, đông đồng bào dân tộc của tỉnh và tỷ lệ hộ nghèo khó khăn cũng cao, số người đi làm ăn ở địa phương xa cũng nhiều nên thị xã đã tập trung rà soát, vân động các gia đình, thông qua người có uy tín, sư sãi nhà chùa để cố gắng tuyên truyền mọi người hiểu hết ý nghĩa của việc đi bầu cử, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của công dân…
Một điểm bầu cử tại phường 6, thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN. |
Cử tri Thạch Sà Rươl, ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho biết: Mấy hôm nay bà con theo dõi danh sách ứng cử viên kỹ lắm, bà con cũng đắn đo, chọn người nào có trình độ, tài đức, có thể giúp được đồng bào mới bỏ phiếu. Hiện mùa mưa đã bắt đầu, việc đồng áng thêm bận rộn nhưng bà con ai nấy đều nói sẽ cố gắng tranh thủ đi bỏ phiếu sớm trước khi ra đồng trong ngày bầu cử.
Trong những ngày gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Hội đồng bầu cử tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong tỉnh. Theo ông Lâm Văn Mẫn, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Sóc Trăng: Nhìn chung, các địa phương đã tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử đúng thời gian, nghiêm túc, đúng quy trình theo luật định. Hiện 100% xã, phường, thị trấn đã niêm yết danh sách cử tri tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các nơi công cộng để cử tri kiểm tra, đối chiếu; việc cấp thẻ cử tri cũng đã hoàn tất.
Cùng với cả nước, đồng bào các dân tộc, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã và đang sẵn sàng chờ đón “Ngày hội lớn” của toàn dân”, ngày Bầu cử Quốc Hội và HĐND các cấp vào 22/5 sắp tới./.