Chuyển hàng lên tàu tại buổi lễ xuất quân. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng và triển khai kế hoạch về việc tổ chức phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang hướng dẫn các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh đồng loạt ra quân, tích cực tham mưu các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương kịp thời triển khai có hiệu quả, lồng ghép tuyên truyền các Hiệp định, Hiệp nghị, Quy chế biên giới, Luật biên giới quốc gia và một số văn bản có liên quan khác. Qua đó đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, các vị chức sắc tôn giáo, người uy tín trong đồng bào các dân tộc nắm rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào và xuất hiện những tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Điển hình là ông Hồng Văn Chung, 75 tuổi, người Khmer, ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên. Ông Hồng Văn Chung luôn sẵn sàng hỗ trợ bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vận động gia đình, bà con tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, tương trợ nhau để kinh tế ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm đi, dân trí phát triển. Bà con dân tộc khu vực biên giới còn được tiếp cận nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe; cơ sở hạ tầng đường, điện, trường trạm được đầu tư vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" là cơ sở vững chắc để Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những nội dung, phương pháp cụ thể hơn, trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó, quy tụ được sức mạnh từ cộng đồng, xã hội, đặc biệt là khơi dậy được sức mạnh tại chỗ của đồng bào các dân tộc, làm một hàng rào vững chắc trong thế trận biên phòng toàn dân. Trong phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cùng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức, từ năm 2015 đến nay có 22 ấp với 190 hộ, 722 người đăng ký tự quản 56,8 km đường biên và 51 cột mốc (cũ và mới), 80 cột mốc phụ; 42 tổ tàu, thuyền, bến bãi an toàn; phối hợp triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền phân giới cắm mốc, vận động bà con dân tộc Khmer dọc theo hai bên biên giới nâng cao ý thức trong tự quản đường biên, cột mốc; không nghe theo lời xúi giục của các phần tử xấu móc nối chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp xã và Đồn Biên phòng; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp thực hiện phong trào. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng người có uy tín để đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phát huy tối đa vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang cũng đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ củng cố cơ sở chính trị vững vàng, quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc khu vực biên giới; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, xây dựng điển hình tiên tiến, kịp thời động viên khích lệ các chức sắc, người uy tín trong đồng bào dân tộc.
Hồng Đạt