Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên (ngoài cùng bên phải) trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cho Quần thể Đền Cao cho đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương và thị xã Chí Linh. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN |
Quần thể khu di tích đền Cao là nơi thờ năm anh em họ Vương đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống bảo vệ đất nước Đại Cồ Việt; tri ân đức vua Lê Đại Hành, Thành hoàng Dương Tôn Linh có công khai hoang lập ấp, khai sinh vùng đất An Lạc ngày nay. Trong đó, đền Cao thờ Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương – Vương Đức Minh, đền Bến Tràng thờ Dực Thánh Linh Ứng Đại vương – Vương Đức Xuân, đền Bến Cả thờ Anh Vũ Dũng Lược Đại vương – Vương Đức Hồng, đền Cả thờ Đào Hoa Trinh Thuận Công chúa – Vương Thị Đào và Liễu Hoa Linh ứng Công chúa - Vương Thị Liễu. Đây là năm anh em có công giúp vua Lê Đại Hành đánh quân Tống xâm lược vào thế kỷ thứ 10. Những di tích này có từ thời Tiền Lê, là những công trình mang đặc trưng kiểu dáng kiến trúc truyền thống chủ yếu của thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Trước đây mới có đền Cao được xếp hạng, còn lại các di tích khác chưa được xếp hạng.
Quần thể di tích đền Cao còn bảo lưu được nhiều yếu tố gốc, trong một không gian văn hóa tâm linh gắn với nhiều câu chuyện, sự tích ly kỳ, được khôi phục, đưa vào dịp các lễ hội như: Lễ giỗ Tổ thập nhị gia tiên, Lễ khất keo xin chùm, Lễ vót tăm, Lễ khâu áo thánh, Lễ thay tro đổi chiếu… Khu di tích còn có các địa danh gắn với cuộc kháng chiến chống Tồng như Cao Hiệu, Lò Văn, Nội Xưởng, Đồng Dinh… Quần thể di tích Đền Cao cũng còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như sắc phong bia đá cùng hệ thống câu đối, đại tự, đồ thờ… với nội dung ca ngợi công lai của các vị thánh được tôn thờ, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đền Cao được bao bọc bởi 54 cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi, làm tăng thêm vẻ uy nghi cho ngôi đền cổ linh thiêng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đề nghị lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh cần tăng cường tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích; xây dựng kế hoạch để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích một cách bền vững. Việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo không gian linh thiêng, kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín dị đoan, làm biến tướng lễ hội truyền thống…
Được biết, Việt Nam hiện có 3.450 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 95 di tích cấp quốc gia đặc biệt; trong đó, tỉnh Hải Dương có 145 di tích quốc gia, 4 di tích quốc gia đặc biệt và 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đền Cao tổ chức từ ngày 9 đến 11/3 (tức từ 22 đến 24 tháng Giêng) bao gồm các nghi thức truyền thống và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: Lễ cáo yết; Lễ mộc dục; Hội thi giã bánh dày, nấu chè kho; Lễ rước bộ; Lễ ban “Khước Thánh”; các lễ Tế, múa rối nước …./.