Nghệ An đang tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả dự án, chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú đã được xây dựng kiên cố, chuẩn hóa và hiện đại, góp phần đổi mới giáo dục phổ thông và đảm bảo các điều kiện để chăm sóc, giáo dục học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Hiệu quả từ các chương trình mục tiêu quốc gia
Nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Quỳ Châu, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, thời điểm này, hàng loạt công trình của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Châu Phong đang gấp rút thi công với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng. Được hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình trường bán trú, phụ huynh nơi đây đã yên tâm khi con em đi học xa nhà được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước.
Thầy giáo Vi Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Châu Phong cho biết: Cơ sở vật chất được đầu tư giúp nhà trường duy trì ổn định sĩ số, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, trường có gần 80% học sinh thi đỗ vào lớp 10 công lập, có 2 học sinh thi đỗ vào trường nội trú của tỉnh, chất lượng học sinh đứng thứ 6 toàn huyện.
Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Quế Phong, huyện Quế Phong được đầu tư hơn 24 tỷ đồng để xây dựng thêm phòng ký túc xá, phòng học chức năng và khu nhà công vụ cho giáo viên. Trường có hơn 400 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú. Trước khi có trường nội trú, các em học sinh chủ yếu học ở các xã vùng sâu, vùng xa, số học sinh có cơ hội để tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh không nhiều. Khi có môi trường nội trú, các em có cơ hội phát huy năng lực, thể hiện bản thân và nhiều em đã đạt thành tích cao trong học tập.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Quế Phong cho biết: Đây là ngôi trường có chất lượng giáo dục hàng đầu của huyện và tỉnh. Năm học vừa qua, trường có tỉ lệ học sinh giỏi cao nhất trong tỉnh, xếp thứ nhất các trường nội trú của Nghệ An, 90% học sinh xếp loại tốt, hơn 40% học sinh thi đỗ vào các trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, huyện Quế Phong chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Giai đoạn 2021-2024, UBND huyện đã tham mưu cấp trên và chỉ đạo các phòng, ban lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho ngành giáo dục với tổng số kinh phí trên 100 tỷ đồng.
Quan điểm của huyện là ưu tiên các trường nội trú, bán trú, các trường ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn và tập trung đầu tư đồng bộ, tránh chắp vá, nhỏ lẻ. Năm 2024, huyện ưu tiên, tập trung cho các công trình giáo dục, dự kiến sẽ có nhiều công trình về đích trước thời hạn từ 3 - 5 tháng như: công trình Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Quế Phong, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thông Thụ, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Tri Lễ, ông Lô Văn Chiến - Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Nghệ An có đến 11/21 huyện là huyện miền núi, số học sinh là người dân tộc chiếm tỷ lệ khá cao. Do có những đặc thù và khó khăn riêng, chất lượng giáo dục các huyện miền núi còn thấp so với mặt bằng chung và không đều giữa các vùng. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số còn thiếu, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu dạy học, nhất là dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án quan trọng như: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030; Đề án phát triển giáo dục đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030…
Nhờ đó, nhiều địa phương đã xây dựng các đề án riêng với giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục. Tại huyện Quỳ Châu, việc triển khai đề án nâng cao chất lượng giáo dục được gắn với xây dựng cơ sở vật chất, trường chuẩn quốc gia, trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Đến cuối tháng 5/2024, toàn huyện có 34/36 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 94,4%.
Ông Lê Thanh An, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho biết: Trong 2 năm qua, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp tại huyện được thực hiện quyết liệt với việc sáp nhập 5 trường (cao nhất tỉnh). Bên cạnh đó, huyện cố gắng giữ vững đội ngũ giáo viên, không còn hiện tượng thừa giáo viên ở các bậc học, quan tâm đến chế độ chính sách cho người dạy học. Huyện cũng có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học ở cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn.
Tỉnh cũng chỉ đạo ngành Giáo dục và các ban, ngành liên quan tiếp tục đầu tư nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rà soát, quy hoạch hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, trong đó quan tâm đến việc xây dựng các trường nội trú, bán trú ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Đồng thời, Nghệ An phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu, tăng cường giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Tỉnh cũng xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương...
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, ngành Giáo dục luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục miền núi và tiếp tục rà soát, tham mưu các chính sách để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, học sinh và cho các trường. Mục tiêu của ngành là tập trung nguồn lực, tạo đột phá, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh... Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành không ngừng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phân hóa, bám sát đối tượng, phát triển phẩm chất, năng lực phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh; tăng cường bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh.
Bích Huệ