Đổi thay ở vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa

Đổi thay ở vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa

Đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 3.600 hộ với trên 19.500 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã biên giới thuộc 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Xác định phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa có sự quan tâm đặc biệt tới đời sống người dân nơi đây. Nhiều chương trình, dự án được triển khai. Các chính sách hỗ trợ, của Đảng, Nhà nước phát huy hiệu quả, giúp vùng đồng bào Mông thay da đổi thịt từng ngày.

Đổi thay ở vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa ảnh 1Từ một bản bốn không (không điện, không đường, không trường, không trạm), đến nay, đồng bào Mông tại Suối Tôn (Quan Hoá) đã khởi sắc từng ngày, đồng bào đã biết sử dụng bếp ga để đun nấu. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN

Ché Lầu là bản đặc biệt khó khăn nằm tại khu vực biên giới, cách trung tâm xã Na Mèo, huyện Quan Sơn hơn 10km. Bản có 65 hộ với 300 nhân khẩu đều là người Mông. Bao năm qua, bản gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, muốn vào đây phải di chuyển qua những con đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội. Được Nhà nước đầu tư đường giao thông, điện thắp sáng, trường, trạm… Ché Lầu hôm nay đã đổi thay hoàn toàn.

Từ Chương trình 30a, năm 2020, UBND huyện Quan Sơn đầu tư làm đường giao thông từ bản Son đi Ché Lầu với chiều dài 5,1km. Năm 2022, huyện Quan Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện làm đường giao thông nội bản Ché Lầu và đường giao thông nội bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy). Hiện hai con đường giao thông nội bản này đều đã hoàn thành thông suốt từ bản lên tới trung tâm xã, qua đó, người dân đi lại thuận tiện.

Xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hướng dẫn nhân dân trồng lúa nước hai vụ/năm; đưa giống lúa Nhật J02 vào sản xuất với diện tích 4 ha. Năm 2021, huyện Quan Sơn thực hiện thí điểm Dự án trồng vầu tai bản Ché Lầu với diện tích 170 ha, hiện đã và đang cho tín hiệu tích cực. Năm 2022, xã tiếp tục đưa Dự án nuôi lợn nái sinh sản, hỗ trợ cho 40 hộ tham gia số tiền gần 200 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của nhân dân là 28 triệu/người/năm…

Bí thư kiêm Trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu cho biết, từ một bản bốn không (không điện, không đường, không trường, không trạm), đến nay, đời sống đồng bào khởi sắc từng ngày. Người dân cảm ơn Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt tới cuộc sống của đồng bào.

Đổi thay ở vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa ảnh 2Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Mông ở bản Suối Tôn đã có nước sạch sử dụng. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Theo Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Đức Lương, Ché Lầu là bản người Mông đầu tiên của huyện Quan Sơn được công nhận là bản văn hóa. Bản có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xã Na Mèo đã vận động bà con mở rộng trồng 2 vụ lúa nước trên diện tích đất nông nghiệp để đảm bảo lương thực tại chỗ, phấn đấu đến năm 2025, Ché Lầu trở thành bản nông thôn mới, cơ bản các hộ dân có nhà ở kiên cố trong năm 2023.

Bản Suối Tôn, xã Phú Sơn cách thị trấn Hồi Xuân khoảng 40 km, đây là bản người Mông duy nhất của huyện Quan Hóa. Gần 10 năm trước, con đường vào bản nhỏ, hẹp, dốc hiểm trở, hiện nay, đường bê tông đã vào tận bản.

Bà Sùng Thị Chia (83 tuổi) cho biết, năm 1999, gia đình bà di cư từ Sơn La về Thanh Hóa rồi định cư ở bản Suối Tôn. Gần 1/4 thế kỷ gắn bó, bà Chia không khỏi bùi ngùi xúc động khi chứng kiến sự đổi thay của đất và người nơi đây.

Trước đây, vùng đất này khó khăn lắm, không có đường, điện và điện thoại. Hiện nay, đời sống của đồng bào đã được nâng lên, con cháu học hành đến nơi đến chốn…, bà Chia phấn khởi cho biết.

Đổi thay ở vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa ảnh 3Trước kia, người Mông ở bản Suối Tôn chỉ biết đi rừng làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện nay, đồng bào đã biết đưa các nghề thủ công về làm, góp phần tăng thêm thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Ảnh: Bà Sùng Thị Chia cùng con gái thêu hoa văn trên vải thổ cầm. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Người Mông ở bản Suối Tôn có tập quán định cư ở những nơi ven suối nên cư dân ở đây chia làm bốn khu nằm ven bốn con suối nhỏ. Trong 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, sự chủ động vào cuộc của huyện và xã cùng tinh thần chủ động vươn lên, không chông chờ, ỷ lại của đồng bào, bản Suối Tôn ngày càng thay da đổi thịt. Đường lên bản, nội bản được bê tông hóa; cơ sở hạ tầng ngày càng nâng cấp, điểm trường Mầm non và Tiểu học được xây dựng khang trang bằng ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu giáo dục tại chỗ của đồng bào…

Trước kia, người dân chỉ biết đi rừng làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện nay, đồng bào đã biết trồng lúa nước và đưa cây trồng có giá trị kinh tế vào sản xuất như, cây gai xanh với diện 5ha, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến Suối Tôn hôm nay dễ dàng nhận ra bản có thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang. Nhiều nhà đang tập trung sửa chữa và xây mới. Năm 2022, bản có 3 ngôi nhà được xây dựng mới từ chương trình hỗ trợ nhà đại đoàn kết của MTTQ tỉnh. Năm 2023, bản tiếp tục có thêm 16 ngôi nhà được sửa chữa và xây mới từ nguồn vốn dành cho người nghèo vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa cho biết, xã tăng cường công tác dân vận đặc biệt là với bản Suối Tôn. Đồng thời, tăng cường cán bộ, công chức vào sinh hoạt với chi bộ thôn, bản. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt của Chi bộ bản Suối Tôn. Nhờ các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay, người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa mới trong ma chay, cưới hỏi.

Với 1,5% dân số là đồng bào dân tộc Mông, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Nhà nước như: Chương trình 134, Chương trình 30a, Chương trình 167 của Chính phủ... Đồng thời, tỉnh ban hành nhiều đề án, chính sách đặc thù dành cho đồng bào, trong đó, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào Mông như: Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát”; Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn”...và thực hiện “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”.

Những thành quả hôm nay các bản Mông đạt được, ngoài nỗ lực của người dân nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ chương trình, dự án mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ đó, giúp nhiều gia đình ở bản Mông vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Khiếu Tư - Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm