Đổi thay trên quê hương Mẹ Tơm

Dâng hương tại lăng mộ Mẹ Tơm (tên thật là bà Nguyễn Thị Quyển). Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Dâng hương tại lăng mộ Mẹ Tơm (tên thật là bà Nguyễn Thị Quyển). Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, nơi có Di tích lịch sử cách mạng mẹ Tơm đang đổi thay từng ngày. Hơn 80 năm trước, mẹ Tơm và những người thân trong gia đình đã nuôi giấu, che chở nhiều cán bộ của Đảng như đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Trần Quyết Thắng, Nguyễn Thị Thái, Hoàng Tiến Trình...

Người mẹ nghèo "Không sợ tù gông, chấp súng gươm"

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, từ cuối năm 1939, đầu năm 1940, tại Thanh Hóa, chính quyền thực dân phong kiến tập trung lực lượng khủng bố phong trào cách mạng, hàng trăm cán bộ, đảng viên, quần chúng bị bắt tù đày, nhiều cơ sở Đảng và cơ sở cách mạng bị đánh phá, Tỉnh ủy Thanh Hóa bị tan rã. Thế nhưng không run sợ trước bạo lực của quân thù, số cán bộ, đảng viên chưa bị bắt chắp nối liên lạc, củng cố lại phong trào cách mạng trong tỉnh, tìm cách liên lạc với Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ, Bắc Kỳ, nhận chỉ thị, phương hướng đấu tranh mới.

Đổi thay trên quê hương Mẹ Tơm ảnh 1Bức tượng bán thân phác thảo hình ảnh Mẹ Tơm do Hội Văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội trao tặng đặt tại Khu Di tích lịch sử cách mạng Mẹ Tơm. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Từ năm 1942 đến năm 1945, Trung ương chỉ định thành lập Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời gồm các đồng chí Lê Tất Đắc, Tố Hữu, Trịnh Ngọc Điệt, Đinh Chương Lân, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Văn Hỷ...Đồng chí Tố Hữu được phân công làm Tổng biên tập, viết và in báo “Đuổi giặc nước” và đã có hai lần giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cùng Tỉnh ủy xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương chiến lược khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra. Và "ngôi nhà rơm" trên cồn cát ven biển của gia đình mẹ Tơm được chọn là nơi nuôi giấu cán bộ, in báo, in tài liệu, viết truyền đơn và các tài liệu của Đảng, của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Nơi đây được coi là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời lúc bấy giờ. Cũng tại đây, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy với sự tham gia của các đồng chí: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Hoàng Tiến Trình... nhằm phát triển lực lượng vũ trang, tự vệ du kích, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển (1880-1953), ngôi nhà của mẹ xưa kia nằm ven đồi cát ở làng Hanh Cát, Hanh Cù (nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc). Gia đình bà rất nghèo, chồng và con của bà kiếm sống bằng nghề cắt tóc, làm thuê nhưng lại giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt "người mẹ nghèo" cứ ngày ngày mang theo đôi quang gánh đi bộ lên chợ Diêm Phố (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) để bán rau, bán củi kiếm tiền đong gạo nuôi cán bộ. Đôi quang gánh cũng là nơi cất giấu tài liệu, truyền đơn kêu gọi chiến đấu, chống sưu cao thuế nặng...Đêm về, bà lại ra cồn cát canh gác cho cán bộ hoạt động. Bà Quyển có hai người con trai đầu là Đảng viên cộng sản, ngày ngày đi cắt tóc dạo để nuôi gia đình, tuyên truyền chống cường hào ác bá ở nông thôn, kêu gọi những người yêu nước chống lại kẻ thù. Sau này hai người đều bị địch bắt và tra tấn nhưng một mực không khai, giữ vững khí tiết người cộng sản.

Bà Quyển mất ngày 10/5/1953. Ghi nhớ công lao của gia đình trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, năm 1966, gia đình mẹ đã được tặng “Bằng có công với nước” và Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”. Tháng 9/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định xếp hạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm) xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc là "Di tích lịch sử cách mạng”.

Đổi thay trên quê hương Mẹ Tơm ảnh 2Du khách đến tham quan Khu Di tích lịch sử cách mạng Mẹ Tơm tại làng Đông Thành, xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Đổi thay trên quê hương Mẹ Tơm

Về Đa Lộc hôm nay, ngôi nhà rơm năm xưa không còn nữa, thay vào đó là ngôi nhà 3 gian được bài trí gọn gàng với ban thờ ở chính giữa. Nơi đây đang lưu giữ những hình ảnh, những kỷ vật của một thời sục sôi cách mạng. Đó là bộ đồ nghề cắt tóc dạo, những hũ sành, hòm đựng tiền, đựng gạo nuôi giấu cán bộ cách mạng của gia đình mẹ Tơm hơn 80 năm trước...Bài thơ "Mẹ Tơm" của nhà thơ Tố Hữu được in và treo trang trọng trong nhà. Đặc biệt, gian nhà bên phải đặt bức tượng bán thân phác thảo hình ảnh Mẹ Tơm do Hội Văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội trao tặng đã giúp các thế hệ trẻ hôm nay có những hình dung cụ thể hơn về người mẹ anh hùng, bất khuất năm xưa.

Đổi thay trên quê hương Mẹ Tơm ảnh 3Đoàn viên thanh niên tham quan, tìm hiểu các kỷ vật tại Khu Di tích lịch sử cách mạng Mẹ Tơm. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Vùng quê cách mạng Hanh Cát, Hanh Cù xưa giờ đã nhiều đổi mới, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa; trạm y tế, trường học được xây dựng kiên cố, khang trang. "Đồi cát trắng" ngày xưa được thay bằng con đê, cạnh đó là cánh rừng ngập mặn xanh tốt vừa là bức tường xanh chắn sóng, vừa là nơi sinh kế của người dân. Đa Lộc hôm nay đang trên bước đường đổi mới với những mô hình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao và những cánh đồng trên 100 triệu/ha/năm. Phát huy thế mạnh là vùng bãi ngang ven biển, xã Đa Lộc xác định nuôi trồng thuỷ sản là hướng đi mũi nhọn với sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bình quân hàng năm đạt từ 140.000 - 145.00 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 60 tỷ đồng. Toàn xã hiện có gần 300 hộ nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 504 ha (chiếm gần 40% diện tích tự nhiên của xã) với đối tượng con nuôi phong phú, hình thức nuôi đa dạng như tôm quảng canh 194 ha, tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh 40 ha...Đặc biệt mô hình nuôi tôm thẻ trong nhà kính ở khu vực Mỹ Điền, Yên Lộc, đồng Công nghiệp...đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Đa Lộc còn có gần 500 ha rừng ngập mặn vừa là “lá chắn xanh” góp phần ngăn chặn rủi ro, bảo vệ dân làng khỏi những cơn cuồng phong, bão gió, vừa là nơi phát triển kinh tế của bà con với những nghề mới như nuôi ong lấy mật, nuôi vịt, khai thác thuỷ hải sản. Riêng nghề nuôi ong lấy mật dưới tán rừng ngập mặn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình ở xã Đa Lộc thoát nghèo, vươn lên là giàu. Sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú, vẹt của xã Đa Lộc đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện "Tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung, tích tụ đất đai để phát trển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xã Đa Lộc đã đã tập trung tích tụ đất đai lên 87 ha, nhờ đó đã thay đổi cơ bản cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao được gieo trồng 100% diện tích, năng suất cây lúa tăng cao, nhiều vụ đạt 66 – 70 tạ/ha. Nhiều mô hình vườn hộ có thu nhập từ 700 triệu – 900 triệu đồng/ha/năm như trồng đào phai, hoa, cây cảnh...

Đổi thay trên quê hương Mẹ Tơm ảnh 4Dâng hương tại lăng mộ Mẹ Tơm (tên thật là bà Nguyễn Thị Quyển). Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Năm 2020, Đa Lộc đã cán đích xã nông thôn mới và đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao trước năm 2025. Tong sự phát triển chung đó, truyền thống yêu nước, gìn giữ ngọn lửa cách mạng luôn được thế hệ trẻ Đa Lộc tiếp bước. Khu di tích lịch sử cách mạng nhà Mẹ Tơm trở thành điểm tựa, là niềm tin để người dân Đa Lộc nói riêng, người dân Hậu Lộc nói chung hướng ra biển lớn. Anh Nguyễn Văn Hùng, Bí thư đoàn xã Đa Lộc khẳng định, là thế hệ trẻ của vùng quê cách mạng, tuổi trẻ Đa Lộc đã cùng đảng bộ, chính quyền xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang Khu di tích mẹ Tơm.

Hằng năm, Khu di tích lịch sử cách mạng mẹ Tơm thu hút rất đông nhân dân và du khách đến tham quan, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Đa Lộc. Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa cho biết, địa phương kêu gọi các nhà đầu tư cũng như huy động nguồn lực để xây dựng khu du lịch sinh thái ven biển gắn với điểm thăm quan khu Khu Di tích lịch sử cách mạng “Mẹ Tơm". Truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, sẽ hun đúc, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đa Lộc tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hoa Mai - Đình Nam

TTXVN

Có thể bạn quan tâm