Để thích ứng với khô hạn, nhiều diện tích trồng lúa, mía… kém hiệu quả ở Sóc Trăng đã được chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc rau màu. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN |
Thông qua Chương trình 135, những chính sách dân tộc, đời sống của người dân các xã, ấp đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt. Trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã được nâng lên. Cơ sở hạ tầng ở các xã, ấp được đầu tư, nâng cấp nhất là hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, trường học... được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy lĩnh vực khác phát triển. Những ngày này, tới các vùng có đồng bào Khmer sinh sống, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở khắp phum, sóc. Những con đường rộng rãi, sạch sẽ, những căn nhà kiên cố mọc lên thay cho căn nhà dột nát và xiêu vẹo trước kia... Đại Tâm là địa phương có trên 85% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Đây cũng là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện điểm nông thôn mới Mỹ Xuyên từ năm 2015. Đời sống đồng bào Khmer nơi đây đã thay đổi nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Theo đó, chính quyền đã hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn... tạo bước đệm vững chắc cho sự phát triển của các phum, sóc. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã đến cuối quý 3 năm 2019 còn 2,12%, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Ông Sơn Sóc Hiên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị chia sẻ, cùng với các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc Khmer, Đảng, Nhà nước còn quan tâm đến việc bảo tồn, phát triển nền văn hóa của dân tộc thiểu số. Các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư xây dựng. Việc bảo tồn các di tích lịch sử, gìn giữ, phát triển ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc luôn được coi trọng. Các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc được tổ chức theo truyền thống. Hàng năm, tỉnh tổ chức họp mặt nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, truyền hình trực tiếp văn nghệ nhân lễ Sene Dolta, duy trì và nâng tầm lễ hội Đua ghe Ngo - Oóc Om Bóc... Thượng tọa Trần Văn Tha, Trụ trì chùa Tà Mơn, huyện Trần Đề chia sẻ, nhờ sự tham mưu của các cấp chính quyền, đoàn thể, các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào ngày càng hiệu quả, thiết thực và nhanh chóng hơn. Nhờ đó, các hộ đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Theo ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng luôn thống nhất quan điểm đoàn kết các dân tộc là nguồn sức mạnh to lớn, là nhiệm vụ hàng đầu. Đồng thời, Đảng bộ tỉnh luôn xác định vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là địa bàn quan trọng để tập trung nguồn vốn đầu tư, tạo sự ổn định phát triển. Hàng năm, tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển giao thông và kết cấu hạ tầng, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc... Từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - văn hóa và dân trí tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 với tổng vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng, cấp điện cho 25.359 hộ. Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai các dự án điện nông thôn và dự án nâng cấp, cải tạo đường dây, trạm biến áp, với tổng kinh phí trên 1.200 tỉ đồng, góp phần đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Song song đó, tỉnh luôn quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn cán bộ tại vùng đồng bào dân tộc. Từ năm 2014 - 2019, mạng lưới trường lớp được nâng cấp và đầu tư xây mới. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu của học sinh dân tộc thiểu số. Tỷ lệ học sinh đến trường, tốt nghiệp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục dân tộc nội trú, bán trú, dự bị đại học phát huy hiệu quả tích cực. Theo ông Lâm Sách, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, để việc triển khai chính sách dân tộc phát huy hiệu quả, thời gian tới, Sóc Trăng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tế từng vùng, địa phương trên cơ sở lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín, chức sắc trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tốt vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong công tác chăm lo lợi ích thiết thực cho đồng bào, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt khi xử lý các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, các cấp, ngành, đoàn thể kiên trì vận động, thuyết phục, lấy đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm nguyên tắc cơ bản để đồng bào luôn vững tin vào sự lãnh đạo đúng đắn Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chanh Đa