Đổi thay ở ấp Đường Đào của đồng bào dân tộc Khmer

Đổi thay ở ấp Đường Đào của đồng bào dân tộc Khmer

Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức, đời sống của người dân tộc tại ấp Đường Đào (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) ngày càng khởi sắc. Những năm qua ấp Đường Đào luôn là “điểm sáng” không chỉ riêng của địa phương mà còn của tỉnh Cà Mau, đặc biệt trong các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình làm kinh tế của người dân cho thu nhập cao, hiện toàn ấp chỉ còn 2 hộ nghèo.

Trong 525 hộ người dân tộc Khmer của xã Hồ Thị Kỷ có 340 hộ sống tại ấp Ðường Ðào. Cách đây 5 năm, hộ nghèo của ấp chiếm trên 30%, đến nay giảm xuống còn dưới 1,45%. Trong không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, ông Nguyễn Trọng Yêm – Trưởng ấp Đường Đào tự hào cho biết, những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Các phong trào xây dựng đời sống và sản xuất luôn được bà con hưởng ứng nhiệt tình, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.

“Nhờ được quan tâm đầu tư về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc Khmer của ấp đã giảm rõ rệt. Từ đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc. Niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước được củng cố và nâng cao”, ông Yêm nhấn mạnh.

Phát triển kinh tế với một ấp thuần nông như Đường Đào luôn là bài toán khó. Nhưng với sự năng động trong sản xuất và sự trợ giúp có hiệu quả từ Nhà nước đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Ấp Đường Đào còn được biết đến là địa phương có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Nổi bật có thể kể đến như các mô hình nuôi cá bống tượng, cá chình, ba ba, cua đinh, nuôi tôm quảng canh cải tiến... Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trong ấp đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Trong ngôi nhà khang trang vừa được trang trí để đón Tết, ông Lý Sỏn (người dân tộc Khmer, ấp Đường Đào) vui vẻ kể, ông lập gia đình năm 1986 nhưng đời sống lúc đó rất khó khăn. Ông và vợ quyết định đi khắp nơi với đủ nghề để kiếm sống. Đến năm 2014, sau khi có được một số vốn, ông quyết định về quê để nuôi ba ba. “Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi ba ba, cua đinh, tôi phải đi học hỏi ở nhiều nơi. Thời gian đầu tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng rồi dần ổn định. Đến nay, tôi có nguồn ba ba thịt bán thường xuyên, ổn định cho các nhà hàng, quán ăn. Đồng thời, tôi nuôi vỗ cua đinh bố mẹ để bán cho những người có nhu cầu”, ông Sỏn cho hay.

Từ tinh thần quyết tâm, không ngại khó, ông Sỏn trở thành người tiên phong trong phong trào nuôi ba ba, cua đinh của ấp, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Còn anh Hữu Minh Tài lại nổi tiếng là một thanh niên chịu thương chịu khó. Hơn 2 năm anh đi theo những người thợ điêu khắc để học nghề và sau 3 năm mở cơ sở điêu khắc gỗ, anh Tài được bà con gần xa biết đến. Các sản phẩm của cơ sở được nhiều người tin tưởng, lựa chọn. Từ công việc điêu khắc gỗ, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh Tài thu về trên 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Việt Bắc – Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ cho biết, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua địa phương cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, mở các lớp đào tạo nghề cho con em người dân tộc. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi ngành nghề được quan tâm nên cuộc sống của bà con Khmer nơi đây giờ đã khá hơn. Để đời sống của bà con dân tộc ở ấp Đường Đào được khởi sắc như hôm nay, bản thân bà con cũng có sự nỗ lực rất lớn. Người dân đã tích cực cùng với địa phương tuyên truyền, vận động nêu cao ý thức tự vươn lên trong cuộc sống; vận động con em học tập để nâng cao mặt bằng dân trí; xóa bỏ tự ti, mặc cảm, không trông chờ ỷ lại, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm