Tần Mai Xuân hiện đang là học sinh lớp 4a3 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoang Thèn (xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ). Cứ cuối tuần, Mai Xuân sẽ về với gia đình sau những ngày học tại trường bán trú. Nhờ có các phòng học bán trú được ngành điện xây dựng, quãng đường dài gần 20km từ trường về nhà ở bản Mồ Sì Câu (xã Hoang Thèn) giờ đây đã không còn là khó khăn hàng ngày với gia đình Mai Xuân...
Điều tiên quyết để bám trường, bám lớp
Từ thành phố Lai Châu về đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoang Thèn (xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ) mất gần 1 giờ xe chạy. Suốt hành trình lên xã Hoang Thèn là những con đường ngoằn ngoèo, đầy sỏi đá, chúng tôi như hiểu thêm được những vất vả, sự thiếu thốn của các em học sinh nơi đây.
"Trước đây, khi chưa có nhà bán trú, các em học sinh thường phải đi lại rất xa nhà mới có thể đến lớp. Điều này khiến cho việc bám lớp, bám trường gặp khó khăn, đặc biệt với các em nhỏ lớp 1, 2. Song từ ngày trường được ngành điện hỗ trợ xây dựng nhà bán trú với 5 phòng ngủ, đã có đủ chỗ cho hơn 250 cháu ăn - ngủ tại trường, các con cũng yên tâm học tập", cô giáo Lò Thị Hiền kể lại.
Đến trường Hoang Thèn, ngoài sân chơi rộng, bằng phẳng, trường còn có một dãy nhà 2 tầng và 3 khu là nhà tạm cấp 4. Tuy cơ sở vật chất còn sơ sài, không được hiện đại như các trường ở miền xuôi, nhưng theo cô giáo Lò Thị Hiền, người đã hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, có được ngôi trường như vậy là ước mơ của rất nhiều giáo viên nơi đây. Cùng với bàn ghế đồng bộ, lớp học còn được trang bị máy chiếu và màn hình giúp cho việc dạy và học hiệu quả hơn.
Thầy giáo Nguyễn Đức Giỏi, Hiệu trưởng trường bán trú Hoang Thèn cho biết: “Trường được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2020, đến nay, có 21 lớp học với 259/479 học sinh bán trú. Nếu như trước đây, trường có 9 điểm bản, lớp học phải đặt trong nhà dân, tỷ lệ học sinh bỏ học cao thì nay điều này đã không còn. Người dân yên tâm gửi gắm con em ở ngôi trường mới, có phòng bán trú để ngủ lại, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt”.
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao hỗ trợ tỉnh Lai Châu, đặc biệt là 3 huyện: Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ.
Trong giai đoạn 2009-2021, với riêng ngành giáo dục, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hỗ trợ cho 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) xây dựng 56 “nhà bán trú dân nuôi”, với tổng kinh phí 28,6 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho 24 điểm trường với tổng giá trị là 21,1 tỷ đồng; xây dựng 4 trường dân tộc nội trú và bán trú với tổng kinh phí 40,5 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ của EVN, đã giúp cho khoảng 9.000 học sinh mỗi năm được sử dụng điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa.
Điện khỏe - sản xuất "khỏe"
Theo ghi nhận của phóng viên, nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của EVN, ngoài các cơ sở giáo dục tại các huyện nghèo tỉnh Lai Châu được đầu tư nâng cấp, hệ thống lưới điện được cải tạo, dòng điện đã về tới 97,7% hộ dân, giúp phát triển các mô hình sản xuất bền vững.
Anh Nguyễn Xuân Khá, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Hạnh (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên) chia sẻ, cây chè ở Lai Châu đã có từ lâu, nhưng cây chè chỉ thực sự giúp người dân nơi đây thoát nghèo và làm giàu chỉ vài năm gần đây.
Được ví như “vàng xanh” của đất Lai Châu, song sản phẩm chè lại chỉ được người dân thu hái và chế biến theo phương pháp thủ công, manh mún, tồn nhiều nhân lực mà chất lượng lại không cao.
"Gần 10 năm trở lại đây, ngành điện đã đầu tư, cải tạo hệ thống điện, nâng cấp các trạm biến áp giúp cho nguồn điện đến các hộ gia đình sản xuất đủ mạnh, ổn định hơn. Nhờ thế, chúng tôi và nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi phương thức chế biến. Như gia đình tôi đã đầu tư dây chuyền làm chè gần 2 tỷ đồng, mỗi ngày chế biến 20-25 tấn chè tươi với chất lượng sản phẩm cao, cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng", anh Khá phấn khởi cho hay.
Theo chia sẻ của ông Phạm Quang Hòa, đại diện Điện lực Tân Uyên (thuộc Công ty Điện lực Lai Châu), chỉ riêng ở thị trấn Tân Uyên, nhờ có dòng điện khỏe, hiện có gần 20 hộ gia đình đã đầu tư dây chuyền sản xuất chè, giúp cải thiện đời sống người dân nơi đây.
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của EVN trên địa bàn tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 106/106 xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ có điện là 102.568 hộ, đạt tỷ lệ trên 97,7%. Đối với việc hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp, EVN cũng hỗ trợ 9 tỷ đồng/3 huyện trong 3 năm. Đến nay, các huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ đã hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, như: Nuôi cá, nuôi gia cầm, trồng rau vụ Đông, sản xuất lúa chất lượng cao...
Sự đóng góp của EVN đã mang lại nhiều đổi thay cho huyện miền núi này. Nhờ điện, nhờ trường lớp, hệ thống lưới điện được đầu tư trên địa bàn huyện đã giúp 99,6% hộ gia đình được sử dụng lưới điện quốc gia, giúp cơ giới hóa sản xuất, cải thiện đời sống người dân.
Nếu như trước đây, số trường học có nhà bán trú chỉ chiếm 20% thì nay, các trường đã cơ bản được đầu tư nơi ăn ở, tỷ lệ học sinh đi học tăng cao. Nhờ được hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh, từ 8,7%/năm giai đoạn 2009-2015 xuống còn 5% giai đoạn 2015-2021.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung vui mừng cho hay, những đóng góp của EVN đã mang lại một bệ đỡ vững chắc giúp người dân nơi đây thay đổi từ chất lượng học tập, giáo dục tại các trường, đến tư duy sản xuất, phát triển bền vững các sản phẩm địa phương.
Việc thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ cũng đã giúp huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung có điều kiện để tổ chức sản xuất, có nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi đời sống, đồng thời phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.
Đức Dũng