Đổi mới sản phẩm du lịch, thu hút du khách vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đổi mới sản phẩm du lịch, thu hút du khách vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Kích cầu du lịch nội địa 
Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để khai thác khách du lịch đến từ các vùng trên cả nước. Đến nay, ngành Du lịch thành phố đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với 48 tỉnh, thành. Riêng với vùng Tây Nam bộ, ngành đã hình thành nên nhiều liên kết vùng như Thành phố Hồ Chí Minh với tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long; cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long… 
Đại diện sở, ngành du lịch các tỉnh, thành chủ trì phiên thảo luận thúc đẩy giải pháp phát triển du lịch. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Đại diện sở, ngành du lịch các tỉnh, thành chủ trì phiên thảo luận thúc đẩy giải pháp phát triển du lịch. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Những thuận lợi về liên kết không chỉ thúc đẩy phát triển và giao thương kinh tế - thương mại mà Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành đầu mối đón lượng khách lớn từ địa phương, vùng miền… Vì vậy, thành phố được xác định là một trong những thị trường lớn để kết nối và đẩy mạnh việc phát triển du lịch giữa các vùng trên cả nước, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Để khai thác hiệu quả những lợi thế kể trên, bà Võ Ngọc Điệp, Phó trưởng Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài những chương trình tham quan truyền thống, chương trình kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được đổi mới, xây dựng đa dạng hoạt động hấp dẫn. Trong thời gian tới, với lịch khởi hành hàng ngày hoặc định kỳ, các doanh nghiệp tham gia chương trình triển khai tour nấu ăn, tour xe đạp, VIP - Tour xe Limousine…, mang lại cho du khách giá ưu đãi tốt nhất và tận hưởng những tour mới lạ.
 
Cụ thể, tour xe đạp sẽ tạo điều kiện cho du khách du ngoạn chợ Hồ Thị Kỷ, chùa Ngọc Hoàng, chợ thú cưng, cà phê vợt, chợ Tân Định và nhà thờ Tân Định. Còn VIP - Tour xe Limousine đưa du khách tham quan Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi; City tour (xem múa rối nước và tham quan Landmark 8.1); Tour nấu ăn (vườn dược liệu Việt Nam, Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, nhà vườn Minh Tân)…

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nỗ lực đa dạng hóa, phát huy tiềm năng du lịch của địa phương và hình thành sản phẩm liên vùng. Trong đó, các địa phương từng bước hình thành những chương trình du lịch đặc trưng kết nối tuyến, điểm du lịch, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thành phố đang cùng làm việc với đội ngũ tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện chiến lược phát triển ngành du lịch thành phố đến năm 2030, qua đó phát huy vai trò trung tâm của thành phố trong kết nối giao thông, thương mại, du lịch của cả vùng. 
Đại biểu đưa ra giải pháp kích cầu du lịch vùng tại Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Đại biểu đưa ra giải pháp kích cầu du lịch vùng tại Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh rất cần nhân rộng chương trình kích cầu du lịch, trở thành hoạt động thường niên để kích thích và tăng tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch. Trong đó, tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, điều hành hoạt động du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế và trong nước, nhất là du khách đến từ các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Hình thành sản phẩm vùng 
Theo kết quả khảo sát, tiềm năng du khách nội địa không thua kém gì khách du lịch quốc tế,. Tuy nhiên, hầu hết địa phương có xu hướng chú trọng thu hút du lịch quốc tế và ngoài địa phương hơn là khách nội địa. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn kết nối với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đưa du khách đến thành phố và ngược lại. Đặc biệt, thành phố đề xuất nâng mức hợp tác, liên kết lên cấp lãnh đạo, chính quyền, chứ không chỉ dừng lại ở cấp sở. 
Các đơn vị điểm đến của TP. Hồ Chí Minh ký kết với doanh nghiệp tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Các đơn vị điểm đến của TP. Hồ Chí Minh ký kết với doanh nghiệp tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Báo cáo của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sau 10 tháng (1/1 - 10/10/2019), Chương trình kích cầu khách du lịch vào Thành phố Hồ Chí Minh thu hút khoảng 71.000 lượt khách, trong đó có 18.000 lượt khách đi tour trọn gói, 53.000 lượt khách đi tour không trọn gói; lượng khách quốc tế chiếm 92%, còn khách nội địa chiếm 8%.
 
Tại một số quốc gia phát triển, kết nối địa phương đóng vai trò quan trọng trong ngành Du lịch. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến du lịch, liên kết không chỉ ở cơ quan quản lý mà còn tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp “bắt tay” cùng làm du lịch trong mối quan hệ liên kết với điểm đến, người dân địa phương.
 
Liên quan đến vấn đề thu hút khách Đồng bằng sông Cửu Long về Thành phố Hồ Chí Minh, bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Trong vài năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh ít trở thành lựa chọn của du khách hoặc du khách trong và ngoài nước chỉ nghỉ lại một đêm/ngày tại thành phố như điểm trung chuyển để tham gia tour du lịch về nhiều điểm đến khác nhau.
 
Bà Cao Xuân Thu Vân đề xuất, ngoài sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, giải pháp kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh những hợp tác ký kết phát triển du lịch. Qua đó, đơn vị lữ hành xây dựng những tuyến tour du lịch kết nối điểm đến tại Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Tại hội nghị, một số chuyên gia đưa ra đề xuất, sớm hoàn thiện và phát triển mới 3 tuyến du lịch kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, Tuyến 1 - Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tuyến xuyên tâm Tây Nam bộ; Tuyến 2 - Phát triển mới tuyến ven biển Tây Nam bộ; Tuyến 3 - Hoàn thiện và phát triển tuyến vùng biên Tây Nam bộ.
 
Những tuyến du lịch này nhằm mục tiêu tạo sự liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các địa phương cùng gắn kết chặt chẽ quan hệ song phương, tạo ra sản phẩm du lịch mới, chất lượng dịch vụ cao phù hợp cho từng du khách.
 
Trên cơ sở đó, những đơn vị trong chuỗi liên kết hỗ trợ quảng bá chương trình du lịch nội địa khuyến mại thu hút khách du lịch từ tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đến Thành phố Hồ Chí Minh và triển khai có hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch vào Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình tour liên vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Đặc biệt, các tuyến tour mới sẽ có thời gian tập trung vào giai đoạn thấp điểm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng tour.
             Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm