Tập đoàn Vingroup đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Vincom Shophouse Cà Mau trên diện tích đất 4,3 ha, tại thành phố Cà Mau. Ảnh: Kim Há-TTXVN |
* Xin ông đánh giá những thành công trong thay đổi cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng?
- Thực tiễn xây dựng, phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp thời gian qua cho thấy những kết quả đạt được, những đóng góp ngày càng tích cực của các khu công nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước gắn liền với những bước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách đối với khu công nghiệp.
Trong suốt thời gian qua, kể từ Luật Đầu tư năm 2005, qua các văn bản pháp luật về đầu tư, về khu công nghiệp, khu chế xuất từng thời kỳ, cơ chế phân cấp, ủy quyền trong quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng được mở rộng và hoàn thiện.
Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất được phân cấp, ủy quyền thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, lao động, thương mại, môi trường, xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ” tại các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, giảm thủ tục hành chính khi nhà đầu tư thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước; trong đó có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi đầu tư cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ưu đãi đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất bao gồm ưu đãi về các loại thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu), tiền thuê đất, tiền sử dụng đất… có sự chuyển biến phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của từng thời kỳ.
Trong giai đoạn trước đây, ưu đãi đối với khu công nghiệp, khu chế xuất cơ bản chủ yếu xác định theo địa bàn; trong đó các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất được áp dụng các chính sách ưu đãi đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn với mức ưu đãi khá hấp dẫn và vượt trội so với ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 được ban hành và có hiệu lực thì ưu đãi đối với khu công nghiệp, khu chế xuất đã được điều chỉnh theo hướng giảm bớt mức ưu đãi theo địa bàn, chỉ áp dụng ưu đãi chung theo địa giới hành chính (huyện, xã) cụ thể; đồng thời, tập trung chính sách ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực, tính chất, quy mô dự án. Theo đó, những dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, quy mô lớn về vốn đầu tư, doanh thu, giải ngân nhanh, thâm dụng lao động sẽ được áp dụng mức ưu đãi cao theo quy định của pháp luật.
Tôi cho rằng, một số chuyển biến căn bản trong pháp luật đối với khu công nghiệp, khu chế xuất đã bước đầu mang lại một số kết quả nhất định trong thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ, những dự án có quy mô lớn của các đối tác đầu tư lớn vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.
* Thưa ông, thực tế đã xảy ra việc một số địa phương thu hút đầu tư bằng mọi giá dẫn đến xảy ra ô nhiễm môi trường, dự án kém hiệu quả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá gì về việc này?
- Trước đây, có một giai đoạn các địa phương ban hành những chính sách ưu đãi đầu tư riêng, thậm chí là trái luật, “xé rào” nhằm “trải thảm đỏ”, lôi kéo các nhà đầu tư vào địa phương của mình. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu trước năm 2005 khi Luật Đầu tư năm 2005 chưa được ban hành. Tuy nhiên, thời điểm đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời; các địa phương đã rút kinh nghiệm, bãi bỏ những chính chính ưu đãi trái luật của địa phương mình. Hiện nay, có thể nói việc thực hiện các chính sách ưu đãi đã thống nhất theo quy định của Luật Đầu tư, các luật về thuế, đất đai…
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, tại một số địa phương hiện nay vẫn còn xảy ra một số bất cập cần khắc phục. Đó là khi phê duyệt các ngành, nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, một số địa phương chưa chú trọng đến việc tập trung vào phát triển những ngành, nghề có công nghiệp tiên tiến, thân thiện môi trường, gắn với tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương mà đưa ra danh mục quá nhiều ngành, nghề, mang tính “tổng hợp”, đa dạng để “dễ” kêu gọi đầu tư. Đây là vấn đề cần phải khắc phục trong thời gian tới để không còn xảy ra việc các dự án không đảm bảo về môi trường, công nghệ lạc hậu vẫn được thu hút đầu tư, hoạt động ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đối với các dự án kém hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các địa phương thường xuyên, rốt ráo việc rà soát, phát hiện và xử lý, báo cáo Ban Chỉ đạo về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vẫn có những dự án hạ tầng khu công nghiệp và dự án thứ cấp trong khu công nghiệp thuê đất từ lâu nhưng chậm triển khai vì nhiều lý do khác nhau. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định xử lý các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả tiếp tục là giải pháp quan trọng, thường xuyên thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, hạ tầng.
Ngoài ra, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát quy hoạch các khu công nghiệp để đảm bảo quy mô, vị trí được quy hoạch phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch hoặc giảm diện tích đối với những khu công nghiệp được quy hoạch từ lâu nhưng không triển khai, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, không thu hút được nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Bộ cũng chỉ xem xét, điều chỉnh, bổ sung khu công nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy, kết nối hạ tầng… theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
* Thưa ông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tham mưu gì về mặt chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất?
- Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP thay thế cho các Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP và Nghị định 114/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định 29/2008/NĐ-CP. Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút đầu tư của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cụ thể như: bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục quy hoạch, đầu tư, thành lập các khu công nghiệp mới và mở rộng, đảm bảo minh bạch, rõ ràng về thủ tục và phát triển khu công nghiệp phù hợp với khả năng thu hút đầu tư của địa phương…
Trong giai đoạn tới, cũng cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư, pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm xác định rõ những trọng tâm trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước, các địa phương và các khu công nghiệp, khu chế xuất, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng; xác định những tiêu chí, điều kiện cụ thể, rõ ràng nhằm lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp về công nghệ, môi trường, định hướng phát triển.
Bên cạnh đó là sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục đầu tư nhằm bảo đảm vừa rõ ràng, minh bạch nhưng vừa chặt chẽ trong khâu thẩm định, đánh giá dự án để lựa chọn được những dự án có chất lượng, hiệu quả, nâng cao được hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường và đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu chế xuất ở Trung ương và địa phương để đủ bộ máy, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất trong giai đoạn mới; chuyển dần từ cơ chế ủy quyền sang cơ chế phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để đảm bảo thẩm quyền quản lý nhà nước khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa phương trên các lĩnh vực, theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”.
Để đảm bảo các quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất có tính pháp lý cao, ổn định, thống nhất nhằm thúc đẩy đóng góp của các khu công nghiệp, khu chế xuất trong phát triển kinh tế, trong giai đoạn tới cần nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành Luật Khu công nghiệp, Khu chế xuất thay vì văn bản pháp quy về khu công nghiệp, khu chế xuất dưới hình thức Nghị định như hiện nay.
* Xin cám ơn ông!
Thúy Hiền