Hơn nửa năm trở lại đây, vào mỗi cuối tuần, sân Trường Tiểu học Đinh Núp lại rộn ràng hơn bởi âm thanh của tiếng chiêng vang vọng. Các em học sinh say mê luyện tập, bà con thì ngồi xem chăm chú. Tiếng chiêng linh thiêng của đồng bào dân tộc Xê Đăng bao đời nay vẫn được các thế hệ trân quý gìn giữ bởi đó không chỉ là nét văn hóa biểu trưng mà còn có ý nghĩa tâm linh hết sức to lớn.
Cũng chính từ ý nghĩa đó, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đinh Núp đã huy động những người giàu tâm huyết tại địa phương để lập nên đội chiêng nhí. Hằng ngày, họ kiên trì tiếp lửa cho các em với mong muốn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa người Xê Đăng.
Cũng chính từ ý nghĩa đó, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đinh Núp đã huy động những người giàu tâm huyết tại địa phương để lập nên đội chiêng nhí. Hằng ngày, họ kiên trì tiếp lửa cho các em với mong muốn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa người Xê Đăng.
Đội chiêng nhí của Trường Tiểu học Đinh Núp biểu diễn tại chương trình Xuân tình nguyện - Tết sẻ chia năm 2019. Ảnh: baodaklak.vn |
Thành lập từ tháng 8-2018, đội chiêng nhí của trường có 11 thành viên từ 7-11 tuổi, đều là người dân tộc Xê Đăng. Đánh chiêng không phải ai cũng có thể làm được, bởi cách cảm âm hay nhịp điệu nhanh mạnh, trầm buồn đều phải được tôi luyện qua thời gian. Bên cạnh đó, tùy theo âm điệu bài mà chiêng và trống phải theo tiết tấu cho phù hợp. Việc này đối với người lớn đã khó, đối với các em học sinh lại càng khó khăn hơn.
Là người chủ chốt tham gia hướng dẫn đội chiêng nhí, thầy Joang (giáo viên Trường Tiểu học Đinh Núp) đã truyền lại cho lớp trẻ tình yêu chiêng bằng tất cả sự nhiệt huyết, tận tình. Ban đầu, việc vận động học sinh tham gia đội chiêng gặp rất nhiều khó khăn bởi đa số các em chưa được sử dụng loại nhạc cụ này mà chỉ được nghe, nhìn trong các dịp lễ, Tết do các nghệ nhân trong buôn đánh. Để khắc phục điều đó, Ban Giám hiệu đã đưa các tiết mục chiêng vào nhiều chương trình văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn do trường tổ chức; đồng thời tổ chức tuyên truyền, nói về ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để tạo cho các em niềm đam mê.
Dù mới được thành lập nhưng đội chiêng của Trường Tiểu học Đinh Núp đã được tham gia nhiều sự kiện lớn của địa phương, để lại ấn tượng đẹp. Trong năm 2018, đội chiêng tham gia Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" cấp huyện, cấp tỉnh và giành được 2 giải A.
“Để duy trì được đội chiêng nhí, ngay từ những ngày đầu thành lập, các thành viên đã được răn dạy rằng, muốn đánh chiêng tốt trước hết cần có lòng đam mê vì nếu không đam mê thì không thể gắn bó lâu dài. Cùng với đó, người đánh chiêng còn phải biết vận dụng các giác quan để phối hợp cùng cả đội thật nhịp nhàng, hoàn chỉnh. Thế nên, truyền lại nét đẹp văn hóa đó không chỉ truyền cách thức biểu diễn cồng chiêng mà quan trọng hơn là truyền lại lửa đam mê của nhiều thế hệ ông cha để thế hệ tiếp sau biết trân trọng, giữ gìn”, thầy Joang tâm sự. Đến nay, đội chiêng duy trì việc tập luyện 2 lần/tháng. Riêng những đợt có hội thi, hội diễn thì các thành viên sẽ tập trung tại trường để tập trong khoảng thời gian từ 15 -18 giờ tất cả các ngày trong tuần.
Tham gia vào đội chiêng ngay từ những ngày đầu, em Khiết (lớp 5A3) phấn khởi: “Khi mới tiếp xúc với nhạc cụ này, em vẫn chưa thực sự thích. Nhưng nhờ sự tận tình truyền dạy của thầy Joang, giờ em đã thuộc lòng các động tác như cầm dùi, gõ nhịp và có thể tham gia diễn tấu các bài chiêng cơ bản tại các lễ hội của buôn làng như bài Mừng lúa mới, Buôn làng đổi mới”. Còn với em Ngun (lớp 5A3) thì chơi chiêng không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng sau giờ học mà còn giúp em được giao lưu, học hỏi và có thêm nhiều người bạn mới chung sở thích.
Thầy Joang chia sẻ thêm, từ việc thành lập đội chiêng học sinh tại trường đã nhân rộng được phong trào văn hóa văn nghệ. Mỗi dịp liên hoan, hội thi, hội diễn các em lại đóng góp nhiều tiết mục đặc sắc, thuần thục chẳng khác gì những đội cồng chiêng của người lớn. Có thể thấy rằng, việc tập hợp các em vào đội chiêng để vừa rèn luyện, phát huy năng khiếu vừa tạo một sân chơi lành mạnh .
Theo baodaklak.vn
TTXVN