Lễ Đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền Chiêu Trưng. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Lê Khôi tên thụy là Võ Mục, là một vị công thần khai quốc thời Lê sơ. Năm 1446, phụng mệnh vua, Lê Khôi cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Khi đoàn chiến thuyền trên đường trở về đến Cửa Sót, ông lâm bệnh nặng qua đời và được nhân dân an táng, lập đền thờ tại núi Nam Giới. Năm 1487 Lê Khôi được vua Lê phong là “Chiêu Trưng Đại vương” và để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với đất nước, hàng năm cứ vào ngày mùng 1-3/5 âm lịch, người dân các địa phương vùng biển Cửa Sót lại tổ chức lễ tế ông.
Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi nằm trên núi Long Ngâm thuộc dãy núi Nam Giới ở vùng biển Cửa Sót là một công trình kiến trúc cổ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, di tích đền Lê Khôi đến nay còn được lưu giữ hầu như nguyên vẹn các đại tự, câu đối, sắc phong, tượng thờ, thần vị, chỉ vị… Ngoài đền chính, nhân dân các làng xung quanh đều có đền thờ vọng.
Trước khi diễn ra phần chính lễ ở đền Lê Khôi thì tại đền Vọng (xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) và đền Vọng Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đều có lễ tế kéo dài nhiều giờ. Lễ hội đền Lê Khôi đã tồn tại hơn 500 năm, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong lễ hội, lễ rước kiệu được chuẩn bị công phu, mỗi đoàn rước có hơn 100 người, đi bằng 5 - 7 thuyền mỗi đoàn, các thuyền đều được trang trí cờ hoa. Trong đoàn rước, nữ mặc áo dài, đầu đội khăn xếp, nam mặc quần áo binh lính màu vàng có chỉ nẹp dải đỏ, đội nón gõ sơn, mang kiếm, đao, chùy, giáo đi đầu đoàn rước. Trong đoàn rước còn có phường bát âm nhạc lễ, tàn, lọng, cờ, đồ tế khí… Đoàn rước kiệu năm nào cũng nhộn nhịp bởi còn có sự tham gia của thuyền ngư dân các làng lân cận và ngư dân các nơi thường ra vào Cửa Sót.
Anh Phan Văn Hải, một ngư dân vùng biển Thạch Kim chia sẻ: Đối với ngư dân miền biển, việc cúng giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi không chỉ là một nét văn hóa tâm linh mà còn thể hiện lòng thành kính, tri ân của hậu thế đối với vị tướng tài ba, lỗi lạc đã trở thành vị thần trấn giữ cửa biển, bảo vệ bình an cho cuộc sống của bà con.
Không chỉ riêng ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà, Lộc Hà mà cả ngư dân các địa phương khác trong tỉnh Hà Tĩnh cũng luôn ý thức Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi chính là vị Thành hoàng làng, thần hộ mệnh trên biển. Lễ hội đền Lê Khôi hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa dân gian đặc trưng, gắn bó mật thiết, truyền từ đời này qua đời khác của ngư dân Hà Tĩnh. Thông qua lễ hội, bà con cầu mong một năm đi biển mưa thuận gió hòa, bình an, hải sản đầy thuyền...
Lễ tế giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi do nhân dân các xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), Thạch Bàn, Thạch Hải, Mai Phụ (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phối hợp tổ chức dần dần đã thoát khỏi hình thức một nghi lễ đơn thuần, trở thành tín ngưỡng dân gian độc đáo của vùng cửa biển. Song song với lễ tế còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao đặc sắc như: thi bơi thuyền, bóng chuyền, đi cà kheo, cầu Kiều, đánh cờ thẻ, cờ người, thả diều sáo...
Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) chia sẻ: Hàng năm, để lễ hội đền Lê Khôi diễn ra trong không khí trang nghiêm, UBND hai huyện Thạch Hà và Lộc Hà, Ban quản lý đền cùng chính quyền và nhân dân 4 xã bãi ngang ven biển đã chuẩn bị rất chu đáo mọi thứ từ trước đó 2 tháng, huy động lực lượng từ các tổ chức đoàn thể, hội... tham gia phục vụ, giúp Ban tổ chức điều hành, quản lý các hoạt động trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, hạn chế những sai sót và hành vi tiêu cực, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Hoàng Ngà
TTXVN