Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc tại Trà Vinh

Đoàn công tác tặng quà cho các hộ Khmer thuộc gia đình chính sách, hộ khó khăn. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Đoàn công tác tặng quà cho các hộ Khmer thuộc gia đình chính sách, hộ khó khăn. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ngày 1/10, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; các vấn đề liên quan đến phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc tại Trà Vinh ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hà Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có dân số trên 1 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 31,5%. Toàn tỉnh có 1 huyện nghèo (Trà Cú), 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 64 xã vùng dân tộc thiểu số, trong đó có 23 xã và 10 ấp đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135; 5 xã an toàn khu; 6 xã đảo. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 9.214 hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer còn 5.394 hộ, chiếm 6,05% so với tổng số hộ dân tộc Khmer trong tỉnh.

Năm 2020, từ tổng nguồn vốn kế hoạch thực hiện Chương trình 135 được phân bổ gần 48 tỷ đồng, tỉnh triển khai xây dựng 49 công trình cơ sở hạ tầng; duy tu bảo dưỡng 28 công trình; thực hiện 31 dự án phát triển sản xuất với 531 hộ được hỗ trợ; xây dựng 18 mô hình giảm nghèo, với 143 hộ hưởng lợi. Tỉnh cũng tổ chức 34 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở làm công tác dân tộc. Đến nay, các tiểu dự án này đã giải ngân hơn 57% kế hoạch vốn.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc tại Trà Vinh ảnh 2Đoàn công tác tặng quà cho các hộ Khmer thuộc gia đình chính sách, hộ khó khăn. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng hỗ trợ kéo nước sinh hoạt cho hơn 1.200 hộ; hơn 100 hộ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền gần 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức các lớp phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; thăm, tặng quà người có uy tín dịp lễ, tết… Đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh còn được hưởng chính sách cấp phát báo, tạp chí…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng công tác dân tộc, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Về dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban Dân tộc đối với tỉnh Trà Vinh, tỉnh cơ bản thống nhất về phạm vi và nội dung chính sách. Đối với địa bàn thực hiện, tỉnh vừa có thêm 1 xã An toàn khu nên đề nghị Ủy ban Dân tộc bổ sung thành 5 xã.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc tại Trà Vinh ảnh 3Đoàn công tác tặng quà cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trà Vinh và Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Về đối tượng thụ hưởng, tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc mở rộng thêm đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số ngoài vùng dân tộc thiểu số. Về nhu cầu vốn, dự kiến tổng vốn phân bổ giai đoạn 2021-2025 của tỉnh hơn 2.903 tỷ đồng, tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc bổ sung thêm kinh phí hơn 145 tỷ đồng để tỉnh thực hiện thêm các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, bố trí ổn định dân cư ở những nơi bị sạt lở, vùng thiên tai, đầu tư giáo dục…

Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận các ý kiến của tỉnh Trà Vinh và sẽ chuyển về Ban Chỉ đạo Quốc gia, Hội đồng thẩm định Quốc gia để trình Quốc hội. Ông Lê Sơn Hải cho rằng, Trà Vinh là một trong những tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao ở khu vực. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm rất quan trọng. Vì vậy địa phương cần nhanh chóng rà soát các nhu cầu cơ bản của đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời bổ sung chính sách thiết yếu, nhất là những chính sách liên quan đến y tế, nông nghiệp, khoa học công nghệ… Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chương trình.


Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm