Ngày 5/5, Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 với chủ đề "Khỏe tiêu hóa – khỏe hơn mỗi ngày” chính thức được phát động bởi Báo Sức khỏe & Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, theo kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (14,1% năm 2015). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ thấp còi cao.
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2009-2010 và 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng và các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất là khẩu phần ăn trẻ em dưới 5 tuổi còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng như nhiều nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới khả năng thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập của trẻ. Trên thực tế, các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa và tình trạng suy dinh dưỡng có mối liên hệ qua lại. Nhiễm trùng làm tăng hao hụt các chất dinh dưỡng, trẻ ăn kém hơn do giảm ngon miệng.
"Suy dinh dưỡng trẻ em sẽ để lại hậu quả rất nặng nề về sức khỏe cũng như trí tuệ, dẫn đến giảm khả năng học tập và lao động của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn những trẻ bình thường và khi mắc bệnh thì thường nặng hơn và lâu bình phục hơn. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ và tạo nên vòng xoắn bệnh lý" - ông Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Danh Tuyên, gần đây, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các nghiên cứu cho thấy, những vấn đề về dinh dưỡng bao gồm cả suy dinh dưỡng và béo phì đều tăng khả năng diễn biến xấu trên bệnh nhân mắc COVID-19. Việc thiếu hụt các vi chất như vitamin D, kẽm, selen cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân COVID-19.
Như vậy, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể. Đồng thời, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Dinh dưỡng đúng và đủ giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó, tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật. Do đó, việc truyền thông giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của dinh dưỡng và tiêu hóa đối với sức khỏe tổng thể là rất cần thiết.
Tại Việt Nam, hiện có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và đáng lo ngại hơn khi những trường hợp mắc bệnh này đang gia tăng đáng báo động.
Đường tiêu hóa, cụ thể đường ruột là nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn.
PV