Nhà vườn trồng măng cụt phấn khởi vì điều khiển được măng cụt ra hoa sớm, bán trái được giá cao. |
Đó là hiệu quả tích cực nhất mà đề tài “Hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa cây măng cụt tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang” do PGS.TS Trần Văn Hâu (thầy Hâu), Trường Đại học Cần Thơ mang lại. Đề tài được thầy Hâu thực hiện tại thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A. Tại đây, đã bố trí 2 vườn thí nghiệm: trong vườn măng cụt xen canh và một vườn chuyên canh trồng cây măng cụt. Thầy Hâu còn hướng dẫn nông dân cắt tỉa cành bị sâu bệnh sau thu hoạch, bón phân, tưới nước, phun thuốc ngừa sâu vẽ bùa, sau đó tiến hành xiết nước cạn đáy mương, đậy màng phủ nilon kín mặt liếp không cho nước mưa rơi trên liếp, phun paclobutrazol lên tán lá. Hai tháng sau thì mở màng phủ phun thiourea đều lên tán lá kích thích ra hoa, kế đó cho nước vô mương trở lại, tưới nước cho cây theo lượng tăng dần mỗi ngày rồi bón phân thúc để hoa phát triển.
Với cách làm trên đã giúp ông Nguyễn Thanh Nhạc, ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, tiếp tục thành công với việc canh tác măng cụt nhà mình. Ông Nhạc đã trồng măng cụt gần 20 năm nay, nổi tiếng về cây ăn trái ở miệt vườn này, tuy nhiên việc khiến măng cụt cho trái theo ý muốn là điều mà ông chưa làm được. Ông Nhạc tâm sự: “Khởi nghiệp với cây măng cụt nhưng hàng năm tôi chỉ tỉa tán, phun ngừa sâu vẽ bùa rồi đợi cây cho trái theo mùa. Nhưng lúc này ai cũng có đồng loạt nên giá bán chưa khi nào lên hơn 20.000 đồng/kg. Năm 2015, tôi được thầy Hâu hướng dẫn cách xử lý ra hoa sớm, bán được giá từ 45.000-50.000 đồng/kg, thu lời nhiều hơn so với những vụ trước. Vụ măng cụt năm nay, tôi tiến hành xiết nước khoảng 70 ngày rồi tưới nước, phun paclobutrazol nồng độ 1.500ppm, thiourea 0,5% theo nghiên cứu của thầy. Đến nay, trái đã to hơn quả trứng gà, dự kiến sẽ bán trước những vườn khác từ 1-1,5 tháng”.
Măng cụt là loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên mỗi năm chỉ cho trái một lần và tùy thuộc vào thời tiết. Vì vậy, nếu năm nào thất mùa thì hy vọng của nhà vườn cũng trôi theo. Từng hiểu nỗi khổ này, ông Nguyễn Hoàng Minh, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, quyết tâm thực hiện phương pháp xử lý ra hoa sớm vụ theo cách của thầy Hâu hướng dẫn để đón đợt giá măng cụt tăng cao lúc đầu vụ.
Theo ông Minh, trái măng cụt có giá trị và người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên măng cụt hay bị sượng, xì mủ vì thu hoạch chính vụ thường rơi vào thời điểm mùa mưa. Để măng cụt không bị sượng là điều khó nhất đối với nhà vườn. Muốn làm được điều này, cách tốt nhất là phải thu hoạch trái trước mùa mưa bằng cách ứng dụng quy trình xử lý ra hoa sớm. Để cho mùa sau ra trái sớm và chất lượng cao, sau thu hoạch cần bón phân hợp lý, tỉa bỏ cành, tạo tán để giúp cây ra lá non sớm hơn.
Năm nay cũng vậy, dù đề tài của thầy Hâu đã kết thúc, nhưng ông Minh vẫn giữ được phương pháp xử lý ra hoa sớm. Hiện tại, 2 công măng cụt của ông Minh đã cho ra hoa khá nhiều, dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 3 âm lịch. Vào thời điểm này năm ngoái, măng cụt luôn có giá khoảng 50.000 đồng/kg nên ông Minh phấn khởi: “Vậy là năm nay, nhà vườn chúng tôi khỏi lo chuyện được mùa rớt giá, mà tự mình có thể điều khiển được mùa vụ, thật là kỳ diệu”. Nhờ trồng măng cụt trái vụ đạt hiệu quả cao, mà vụ măng cụt năm 2015 cả ông Minh và ông Nhạc đều thu lợi nhuận cao hơn năm trước từ 5-10 triệu đồng/công.
PGS.TS Trần Văn Hâu cho rằng, quá trình xử lý ra hoa trái vụ không phải dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu nông dân quyết tâm áp dụng kỹ thuật canh tác và xử lý cho ra hoa sớm bằng cách kết hợp xiết nước, đậy nilon, phun paclobutrazol nồng độ 1.500ppm, kích thích ra hoa bằng thiourea 0,5% 2 lần cho cây thì măng cụt sẽ tăng tỷ lệ ra hoa, tăng năng suất trái. Từ đó, cũng tránh được tình trạng ra hoa cách năm, mất giá. Đặc biệt, phương pháp này cũng góp phần phòng tránh hữu hiệu việc xì mủ trái khi vào mùa chính vụ là mùa mưa.
Dù phương pháp xử lý ra hoa sớm không cho trái nhiều như chính vụ, nhưng có thể giúp cây ra hoa đều, đồng loạt, nhất là đón được đợt giá cao đầu mùa. Hy vọng với phương pháp của PGS.TS Trần Văn Hâu sẽ giúp người dân huyện Châu Thành A nói riêng, nhà vườn trồng măng cụt toàn tỉnh nói chung, sẽ tiếp tục làm giàu với loại được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại cây ăn trái.
Báo Hậu Giang