Điệu khèn Mông trên cao nguyên Sìn Hồ

Nghệ nhân ưu tú Mùa A Thào thổi khèn cho các cháu thiếu nhi. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Nghệ nhân ưu tú Mùa A Thào thổi khèn cho các cháu thiếu nhi. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu có 14 dân tộc cùng sinh sống với nhiều bản sắc văn hóa độc đáo. Nhiều nghệ nhân ưu tú luôn nỗ lực tìm hiểu, phục dựng lại nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, trong số đó có Nghệ nhân Ưu tú Mùa A Thào gắn với điệu khèn Mông.

Điệu khèn Mông trên cao nguyên Sìn Hồ ảnh 1Nghệ nhân Ưu tú Mùa A Thào thổi khèn cho các cháu thiếu nhi. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Tới Khu 2, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ hỏi về Nghệ nhân Mùa A Thào ai cũng biết. Nghệ nhân năm nay đã 85 tuổi, sinh ra và lớn lên tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Ông là niềm tự hào của bà con người Mông ở các xã vùng cao Hồng Thu, Tả Ngảo, Sà Dề Phìn, Làng Mô. Mọi cuộc vui cộng đồng hay sự việc trọng đại của gia đình, dòng họ, không thể thiếu tiếng khèn của ông.

Năm 15 tuổi, Mùa A Thào là chàng trai Mông thổi khèn hay nhất bản. Khi 17 tuổi, con gái trong bản vây kín nhà để được nghe tiếng khèn của Thào. Mọi người khen Mùa A Thào có đôi chân dẻo, cái bụng giữ hơi dài. Tiếng khèn của Thào mỗi khi phát ra âm tiết, hoa đào, hoa mận như nở chậm, mùa Xuân ở lại lâu hơn, tiếng khèn như níu chân ngày hội. Cũng vì tiếng khèn như dẫn dụ, mời gọi ấy mà cô gái đẹp nhất bản Hạng Thị Sua đã theo anh về chung một nhà.

Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với lớp thanh niên bản, Mùa A Thào đã tham gia lớp học bình dân học vụ xóa mù chữ. Vốn thông minh, sáng dạ, chàng trai Mùa A Thào học giỏi, được thầy yêu, bạn mến. Học hết văn hóa, Mùa A Thào được đi học Trường Đoàn Trung ương rồi về làm cán bộ xã. Qua nhiều vị trí công tác, đến năm 2000, ông nghỉ hưu sau khi hoàn thành nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ. Được bà con khu phố tín nhiệm, ông tiếp tục tham gia công tác Hội Người cao tuổi huyện, kiêm Bí thư Chi bộ khu dân cư. Ở vị trí nào ông cũng được Đảng tin, dân quý. Theo già làng trong bản, thời còn công tác, cứ ngày nghỉ lại thấy cán bộ người Mông mang khèn về bản nói chuyện với người dân.

Tay nâng niu cây khèn, ông Mùa A Thào chia sẻ, người Mông ở Sìn Hồ có 48 bài khèn. Tiếng khèn buồn được thể hiện trong tang ma với tiết tấu chậm, réo rắt cùng những động tác đi khom, xoay vòng xung quanh quan tài. Giai điệu, âm thanh khèn lúc này chính là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Tiếng khèn vui được thể hiện trong ngày hội Xuân, chợ phiên, văn nghệ, gọi người yêu… với tiết tấu vui nhộn. Âm thanh rộn rã cùng những vũ điệu với tốc độ nhanh. Các động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn. Ngày nay, tiếng khèn không chỉ bó hẹp trong những điệu khèn truyền thống về mùa Xuân, gọi bạn tình... mà được thổi trên nền của những ca khúc mới chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi về Bác Hồ, xây dựng nếp sống mới, xây dựng nông thôn mới...

Nhận thấy lớp trẻ ngày nay không mặn mà với tiếng khèn Mông và những giá trị văn hóa của dân tộc đang ngày bị mai một, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã mở một số lớp truyền dạy kỹ thuật thổi, trình diễn khèn Mông. Nghệ nhân Mùa A Thào được mời trực tiếp truyền dạy. Nhiều học trò của ông nay đã trở thành những tay khèn giỏi với những “ngón” khèn điệu luyện. Điển hình là anh Giàng A Phổng (40 tuổi) ở xã Làng Mô. Anh là học trò đã trưởng thành từ lớp truyền dạy của Nghệ nhân Mùa A Thào. Anh Giàng A Phổng không chỉ khèn hay mà còn biết chế tác ra những chiếc khèn có giá trị nghệ thuật cao.

Giờ tuổi đã cao, sức yếu, cái chân đã mỏi, Nghệ nhân Mùa A Thào không thể đi đến các bản làng biểu diễn cho bà con nghe nhưng đã có thế hệ kế cận tiếp nối mang tiếng khèn đến với bà con. Ông luôn căn dặn các học trò không được để mai một hay mất tiếng khèn bởi đó là hồn cốt của dân tộc cần phải gìn giữ, bảo tồn.

Nhận xét về Nghệ nhân Ưu tú Mùa A Thào, ông Cheo An Ngải, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Sìn Hồ cho biết, những năm trước đây, vùng đồng bào người Mông có một số người nghe theo kẻ xấu, đòi di cư tự do, tham gia các đạo trái phép. Là người có uy tín, am hiểu phong tục, tập quán, bác Thào cùng với cây khèn vào bản tuyên truyền, giảng dạy cái hay, cái đúng cho bà con. Dần dần đồng bào hiểu biết phải, trái nên ai cũng làm theo. Bởi thế, khi bác Thào nghỉ hưu vẫn được tỉnh tín nhiệm làm cố vấn. Không chỉ người Mông vùng cao Sìn Hồ mà bà con các dân tộc nơi đây coi bác Thào như cây gỗ lớn trong rừng già.

Anh Mùa Trù Sinh, Trưởng bản Chang, xã Sà Dề Phìn chia sẻ, làm trưởng bản 20 năm, cũng có lúc anh như “bất lực” trước những hủ tục của đồng bào mình. Nhà nào có người chết phải mổ trâu to và vài con lợn, mời thầy về cúng làm ma tới 4 ngày, vừa mất vệ sinh, vừa tốn kém. Nhiều gia đình còn nợ tiền làm ma đến mấy đời không trả hết. Trước thực trạng đó, bác Mùa A Thào cùng với cán bộ xã, huyện trực tiếp về bản nói chuyện, giải thích để bà con hiểu mục đích của thực hiện nếp sống văn hóa mới. Bây giờ, trong bản Chang, gia đình nào có người chết không để quá 24 giờ. Việc chôn cất được tập trung về nghĩa trang của xã.

Nghệ thuật múa khèn Mông ở Lai Châu nằm trong danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể các dân tộc. Những đóng góp của Nghệ nhân Mùa A Thào có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Với những cống hiến trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân tộc, năm 2019, Nghệ nhân Mùa A Thào vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm