Dạy nghề may cho lao động nữ. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN |
Những phát sinh theo luật mới Quy định mới này đã làm nảy sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1-1-2018. Cụ thể là, quy định công thức tính lương hưu của nam được thay đổi dần trong vòng 5 năm, còn của nữ thay đổi ngay trong năm 2018 cho nên dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (giảm từ 1 đến 10%); hay sự chênh lệch giữa lao động nữ và lao động nam (chỉ giảm từ 1 đến 2%). Theo dự báo của BHXH Việt Nam, năm 2018 sẽ có khoảng 60 nghìn lao động nam nghỉ hưu, trong đó có khoảng 20 nghìn người có thời gian đóng BHXH dưới 31 năm (tương ứng 33% tổng số nam nghỉ hưu) có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Khoảng 50 nghìn lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có hơn 21 nghìn người có thời gian đóng BHXH từ 15 đến 30 năm (tương ứng 43% tổng số nữ nghỉ hưu) có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là khoảng 4.000 trường hợp (tương ứng 8,7% tổng số nữ nghỉ hưu) có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5 đến 10%. Ðồng thời, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 được tính lương hưu tương tự lao động nữ nghỉ hưu năm 2018, tức là cũng thấp hơn từ 1 đến 10% lao động nữ có cùng thời gian đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017. Trong khi, việc điều chỉnh đối với lao động nam có lộ trình thì đối với lao động nữ nghỉ hưu năm 2019 có thể bị "thiệt thòi" hơn so với nam giới từ 1 đến 6%; nghỉ hưu năm 2020 thiệt hơn từ 1 đến 4%, năm 2021 thiệt từ 1 đến 2%. Và phải đến năm 2022, công thức tính lương hưu của nam và nữ mới thật sự tương đồng. Theo tính toán, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2019-2021 mà công thức tính lương hưu bị thiệt so với lao động nam lần lượt là 18.690 người vào năm 2019; 13.851 vào năm 2020 và 5.179 vào năm 2021.Ðiều chỉnh "đủ bù" lương hưu cho lao động nữ Ðiều 57 của Luật BHXH năm 2014 cũng quy định, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Như vậy, pháp luật hiện hành giao Chính phủ quy định việc điều chỉnh dựa trên mức tăng của "chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế", không phân biệt đối tượng và mức điều chỉnh. Do vậy, mặc dù "thiệt thòi" cho lao động nữ, nhưng thực tế lại đang thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện việc điều chỉnh. Giả sử, nếu lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có đúng 25 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu của năm 2018 theo Luật BHXH là 65%; tỷ lệ hưởng lương hưu của người có cùng 25 năm đóng BHXH nhưng nghỉ hưu ở năm 2017 là 75%. Như vậy là giảm 10% trong một năm (năm 2018 so năm 2017). Nếu kéo giãn lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 thì mỗi năm, lao động nữ sẽ chỉ bị giảm 2% (bằng một phần năm của 10%) so với năm trước. Như vậy, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; 2019 giảm 4%; 2020 giảm 6%; 2021 giảm 8% và năm 2022 giảm 10%. Tuy nhiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cách tính nêu trên mới chỉ là bù vào tỷ lệ hưởng lương hưu. Nếu điều chỉnh vào lương hưu thì phải tính bù ở một mức cao hơn, tương ứng bằng 12,31% nếu bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018. Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn tiếp theo, mức điều chỉnh tương ứng là: Năm 2018 là 9,23%; năm 2020 là 6,15% và năm 2021 là 3,08%. Vì vậy, Chính phủ quyết định sẽ điều chỉnh "đủ bù" số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu, tức là sẽ bù vào tỷ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%; 2019 là 6%; 2020 là 4%; 2021 là 2% và từ 2022 thì không được bù vì kết thúc lộ trình như nam giới… Cách tính này cũng tính được mức điều chỉnh cho những trường hợp có thời gian đóng BHXH khác nhau trong khoảng từ 20 đến 29 năm sáu tháng. Theo Tờ trình của Chính phủ, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021 mà có từ 20 đến 29 năm sáu tháng đóng BHXH là khoảng gần 91.600 người (trong đó năm 2018 là 20.500 người; năm 2019 là 22.100 người; năm 2020 là 23.700 người và năm 2021 là 25.300 người); thì giai đoạn từ 2018 đến 2021 sẽ phát sinh nhu cầu kinh phí khoảng gần 80 tỷ đồng (năm 2018 là 27,8 tỷ đồng; năm 2019 là 23,7 tỷ đồng; năm 2020 là 18,1 tỷ đồng và năm 2021 là 10,3 tỷ đồng). Ðể giải quyết vấn đề này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV với nội dung, giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu và nguồn kinh phí thực hiện do quỹ BHXH bảo đảm. Ðây được xem là chính sách có tính chất đặc biệt, chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định với nhóm đối tượng xác định nhằm bảo đảm quyền lợi của nhóm lao động nữ bị ảnh hưởng bất lợi do thay đổi cách tính lương hưu; đồng thời, thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới.
Theo nhandan.com.vn