Từ nhiều ngày qua, khu vực hồ Co Lôm (xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã xảy ra tình trạng người dân địa phương ồ ạt đi đánh bẫy chim én, chim sẻ. Ngoài những cách thức đặt bẫy truyền thống là dùng chim én, chim sẻ nguyên con đã phơi khô làm mồi nhử được kiên cố trên các “cây bẫy’ có nhiều nhánh, cắm tua tủa que nhỏ phủ nhựa dính, “thợ bẫy” còn dùng loa điện phát âm thanh giả tiếng các loại chim để dụ những đàn chim én, chim sẻ sà xuống dính bẫy.
Theo khảo sát của phóng viên vào ngày 26/10, suốt chiều dài hàng trăm mét trên thân đập của hồ Co Lôm và khu vực lân cận đã dựng lên hơn 10 “cây bẫy”, khoảng cách giữa 2 cây bẫy từ 6 - 10m. “Cây bẫy” là những thân tre khai thác từ rừng, được chặt bỏ cành, cao chừng 10 - 12m. Trên cùng của thân “cây bẫy” gắn đối xứng 8 nhánh tre dài từ 1,2 - 1,5m. Mỗi nhánh tre được cắm tua tủa những que nhỏ, vót nhẵn đã phủ lớp nhựa dính và gắn một con chim én, chim sẻ thật đã chết để làm chim mồi nhử đồng loại. Mỗi một cây bẫy sẽ có 8 con chim mồi đã được phơi khô để kéo thời gian sử dụng qua nhiều ngày, nhiều lần đánh bẫy. Chỉ khi nào gặp mưa hoặc qua nhiều ngày sử dụng, chim mồi có mùi hôi, “thợ bẫy” sẽ thay thế bằng con chim mồi khác.
Theo nhiều thợ bẫy chim, chim mồi là chim én, chim sẻ nên đa phần chỉ hai loài chim này dính bẫy. Việc bẫy bắt chim én chỉ tập trung vào buổi sáng sớm và chiều muộn, đó là thời gian chim én rời tổ đi kiếm mồi; chim sẻ chủ yếu dính bẫy vào buổi trưa.
Nguyên nhân chim én, chim sẻ bay về khu vực hồ Co Lôm nhiều là do những ngày qua, hồ Co Lôm tháo nước, mực nước trong hồ xuống thấp, có nhiều tôm cá nhỏ là nguồn thức ăn dồi dào cho chim én, chim sẻ. Vào sáng sớm và chiều muộn, nhiều đàn chim én, chim sẻ bay về đây kiếm ăn.
Ngọn của "cây bẫy" là vô số que nhỏ phủ nhựa dính và có thể dính từ 7 - 10 con chim én. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN
Cách thức bẫy bắt chim của “thợ bẫy” rất kỳ công, bài bản. Khi kết thúc công việc gắn chim mồi, cắm que nhựa dính lên các nhánh trên thân cây bẫy, hệ thống “cây bẫy” đồng loạt được dựng lên ngay sát mặt hồ. Lúc này, “thợ bẫy” sẽ kích hoạt những thiết bị loa, đài, điện thoại đặt dưới chân đập để phát ra âm thanh giả tiếng chim én, chim sẻ để dụ chim về. Nhằm tránh sự phát hiện của từng đàn chim, thợ bẫy sẽ ẩn nấp trong các lều, lán nhỏ dựng tạm xung quanh khu vực hồ Co Lôm. Từng đàn chim én, chim sẻ bay về, khi phát hiện hay nghe thấy tiếng kêu của đồng loại sẽ nhanh chóng sà xuống, đậu trên các “cây bẫy” và bị dính vào que phủ nhựa rồi rơi xuống đất. Người thợ bẫy chỉ việc ra nhặt, gỡ chim ra khỏi que dính, nhốt vào lồng. Cứ sau mỗi một lần “bẫy đàn” xong, thợ bẫy sẽ cho gia cố, cắm bổ sung thêm que dính lên cây bẫy để tăng hiệu quả bẫy chim.
Theo một “thợ bẫy”, việc bẫy chim ở đây đã diễn ra nhiều ngày qua. Mỗi ngày, một thợ có thể bẫy được từ 70 - 100 con chim. Cao điểm vào ngày thời tiết thuận lợi, buổi sáng khu vực hồ Co Lôm có sương mù, cả nghìn cá thể bị bẫy và được chở đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn và các xã lân cận. Chim én bán tại chỗ giá 4.000 đồng/con chưa vặt lông, từ 5.000 - 6.000 đồng/con đã vặt sạch lông, trong khi đó chim sẻ có giá thấp hơn.
Thợ tham gia bẫy chim én chủ yếu là người địa phương. Thời gian bẫy chim én chủ yếu là buổi sáng và chiều muộn, buổi trưa bẫy chim sẻ. Do vậy, những “thợ bẫy” sẽ ở khu vực bẫy chim cả ngày để trông coi, thu lượm chim dính bẫy. Bữa cơm trưa của những thợ bẫy là những đồ thức ăn, nước uống đã chuẩn bị mang theo từ trước. Các thợ bẫy sẽ tập hợp cùng nhau ăn bữa trưa tại một điểm gần khu vực bẫy chim.
Sáng 27/10, trao đổi với phóng viên TTXVN qua điện thoại, bà Lò Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy xã Noong Luống cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, chiều 26 và sáng 27/10, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng Công an xã và các lực lượng liên quan trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, dỡ bỏ toàn bộ hệ thống cây bẫy chim quanh khu vực hồ Co Lôm; đồng thời, giao nhiệm vụ cho người đứng đầu thôn, bản quanh khu vực hồ thống kê danh sách người dân tham gia bẫy chim để theo dõi, nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi sẽ tổ chức họp bản để tuyên truyền, quán triệt người dân sinh sống quanh khu vực hồ Co Lôm nâng cao ý thức bảo vệ, cấm săn, bắt, bẫy các loài chim tự nhiên dưới bất kỳ hình thức nào”, bà Lò Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy xã Noong Luống cho biết.
Xuân Tiến - Xuân Tư