Sau giờ đến trường, các cháu trở về đồn để ăn, ở và sinh hoạt. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Hai tháng trở lại đây, Đồn Biên phòng Pa Thơm (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nhộn nhịp hơn bởi sự có mặt của 2 “chiến sĩ nhí”. Đây là 2 em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Pa Thơm, sinh ra và lớn lên trong gia đình không có điều kiện nuôi dưỡng các em ăn học, nên được Bộ đội Biên phòng nhận nuôi. Tại Đồn Biên Phòng Pa Thơm, 2 em được bố trí một căn phòng khá thoải mái, mỗi em được trang bị riêng giường ngủ, tủ đựng quần áo, sách vở và góc học tập. Sống ở môi trường mới, các em nhận được tình yêu thương, sự kèm cặp mỗi ngày, thứ mà vốn dĩ lâu nay đã thiếu thốn từ gia đình. Từ xuất phát điểm các em phải chịu nhiều thiệt thòi, các chiến sĩ Biên phòng luôn dành những gì tốt đẹp nhất để các em quên đi quá khứ khó khăn, học tập và phát triển toàn diện.
Chiến sỹ đồn Biên phòng Pa Thơm hướng dẫn cháu Quàng Trung Thành học bài sau giờ lên lớp. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Là một trong hai em nhỏ được Đồn Biên phòng Pa Thơm nhận làm con nuôi, em Quàng Trung Thành (người dân tộc Khơ Mú ở bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm) không giấu niềm hạnh phúc. Thành chia sẻ, em sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố bỏ đi khi Thành còn nhỏ, mẹ thì bị ung thư, cuộc sống nghèo khó khiến cho việc học của em đứng trước nguy cơ phải bỏ dở. Rất may Thành được các chú bộ đội Đồn Biên phòng Pa Thơm nhận làm con nuôi. Ở đây em có đủ điều kiện để ăn học và noi gương theo các chú bộ đội. Hiện Thành là học sinh lớp 4 trường Tiểu học, Trung học cơ sở xã Pa Thơm.
Sau giờ học, các cháu cùng cán bộ chiến sỹ lao động trong khu vườn tăng gia, chăn nuôi. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Tương tự, em Quàng Văn Kiên, bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm, cũng không được hưởng hạnh phúc gia đình trọn vẹn khi bố mẹ ly tán, em phải ở với bác ruột. Tuy nhiên, gia đình bác cũng là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Sống ở Đồn Biên phòng Pa Thơm, Kiên được các chú bộ đội hướng dẫn, dìu dắt từ việc học cho đến tác phong, giờ giấc. “Ở đây em được học tập theo tấm gương các chú bộ đội, em sẽ cố gắng học hành để sau này có thể làm một chiến sĩ biên phòng”, Kiên tâm sự. Thiếu tá Nguyễn Văn Ngô, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Thơm cho biết, khi biết hai cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Đồn đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để tiếp nhận các cháu về nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cháu học tập, vui chơi, phát triển hoàn thiện cả về trí tuệ cũng như thể lực. Ngoài giờ lên lớp, các cháu được các chiến sĩ kèm cặp về việc học, giáo dục về đạo đức, cách sống; được rèn luyện từ việc gấp chăn màn sao cho đúng cho đến tác phong, giờ giấc sinh hoạt; tham gia rèn luyện thể chất…
Chiến sỹ đồn Biên phòng Pa Thơm hướng dẫn các cháu cách gấp chăn gọn gàng. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Theo thầy Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở xã Pa Thơm, điều đáng ghi nhận nhất ở hai em là sự tự tin và ý thức vươn lên, tiến bộ vượt bậc trong từng ngày. Hai em đã trở thành tấm gương cho các bạn cùng trang lứa noi theo bởi qua môi trường quân đội, các em được rèn luyện kỹ năng tự lập, giờ giấc, tác phong và kỹ năng sống. Thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã nhận nuôi 26 cháu trong độ tuổi 6 - 15 tuổi, là con em của đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi, con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, giúp các em có chỗ ăn, chỗ ở, sinh hoạt phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cũng thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” hỗ trợ gia đình các học sinh nghèo có thêm kinh phí để trang trải việc học tập. Với những việc làm thiết thực, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã góp phần chia sẻ những khó khăn với đồng bào biên giới, qua đó giúp các học sinh nghèo có điều kiện tốt hơn để vững bước trên con đường học tập, hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
Xuân Tư – Tuấn Anh