Điện Biên: Còn nhiều khó khăn với công tác giáo dục vùng cao

Số lượng trẻ trên lớp đông khiến công tác dạy học tại trường Mầm non Thị trấn Điện Biên Đông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Số lượng trẻ trên lớp đông khiến công tác dạy học tại trường Mầm non Thị trấn Điện Biên Đông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Điện Biên Đông là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Những năm qua, địa phương này đã được quan tâm đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất trường, lớp học, nhưng hiện nay nhiều trường học vẫn đang gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy và học tập do thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên đứng lớp.

Điện Biên: Còn nhiều khó khăn với công tác giáo dục vùng cao ảnh 1Điểm trường PTDTBT-Tiểu học Tìa Dình, xã Tìa Dình vẫn là điểm trường tạm, nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Đầu năm học 2019-2020, điểm trung tâm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông) nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, phải thực hiện di dời khẩn cấp đến địa điểm an toàn. Địa điểm mới của nhà trường ở điểm bản Chua Ta A (nguyên là một điểm bản của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình). Cơ sở vật chất tại điểm bản Chua Ta A còn nghèo nàn, chỉ có 4 phòng học kiên cố, nhà trường đã dựng thêm 7 phòng học bán kiên cố (nhà hoàn toàn bằng tôn), nhà ở nội trú cho học sinh, nhà ở giáo viên, nhà bếp… Năm học 2020-2021, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình có 495 học sinh học tại điểm trung tâm và 5 điểm bản, trong đó điểm trường trung tâm có 311 học sinh với 233 học sinh bán trú.

Điện Biên: Còn nhiều khó khăn với công tác giáo dục vùng cao ảnh 2Một tiết học tại trường PTDTBT-THCS Keo Lôm, xã Keo Lôm. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Hơn 2 năm qua, mọi sinh hoạt, học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh điểm trung tâm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình đều trong không gian chật chội, bí bách. Dù đã dựng thêm nhiều phòng học bán kiên cố nhưng vẫn chưa đáp ứng được số lượng phòng học cho học sinh; phòng làm việc của Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ là nhà tạm, chật chội. Đây là trường học bán trú, tuy nhiên vẫn chưa có nhà ăn, phải sử dụng sân trường để làm nơi ăn uống cho giáo viên và học sinh bán trú. Đặc biệt, hơn 233 học sinh bán trú chỉ có 2 phòng ở nội trú bằng tôn với số lượng giường 2 tầng kê san sát nhau, rất nóng vào mùa hè.

Ông Ngô Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình cho biết: Điểm trường trung tâm như hiện nay của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ giảng dạy và học tập. Theo đúng quy định của Nhà nước, các em học sinh từ lớp 3 trở lên phải được học ở trường trung tâm, tuy nhiên hiện nay cơ sở vật chất ở trường trung tâm còn thiếu thốn nên nhiều học sinh lớp 3 phải học tại các điểm bản. Tại điểm trung tâm, hơn 300 học sinh cùng cán bộ, giáo viên đang phải học tập, sinh hoạt trong không gian rất chật chội, chỉ hơn 1.100m2. Hiện điểm trường trung tâm vẫn còn thiếu 5 phòng học để giảm lượng học sinh trên lớp và đón các em học sinh lớp 3 trở lên đang phải học ở các điểm bản. Mặt khác, nhà trường vẫn chưa có mạng Internet nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Hiện đã có dự án xây dựng điểm trường trung tâm tại địa điểm mới nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng.

Điện Biên: Còn nhiều khó khăn với công tác giáo dục vùng cao ảnh 3Số lượng trẻ trên lớp đông khiến công tác dạy học tại trường Mầm non Thị trấn Điện Biên Đông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Ngoài việc thiếu thốn về cơ sở vật chất, hiện nay nhiều trường học trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đang rơi vào hoàn cảnh thiếu giáo viên, đặc biệt là cấp học mầm non. Do thiếu giáo viên, tại nhiều điểm trường, tổng số học sinh trên lớp rất đông, trung bình mỗi giáo viên mầm non phải đứng lớp 25 - 30 học sinh, cá biệt có lớp lên đến 35 học sinh.

Là một trong những nhà trường có số lượng học sinh trên lớp vượt mức quy định do tình trạng thiếu giáo viên, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Điện Biên Đông cho biết: Hiện nhà trường có tổng số 19 giáo viên. Tuy nhiên theo định mức của Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục Mầm non công lập, nhà trường vẫn còn thiếu 11 giáo viên. Do số lượng trẻ trên lớp đông nên các giáo viên đứng lớp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các lớp nhóm trẻ và lớp mẫu giáo bé, khả năng tự phục vụ của các em còn hạn chế, các cô giáo rất vất vả. Năm học 2020-2021, huyện Điện Biên Đông huy động được trên 22.300 học sinh theo học tại 837 lớp thuộc 51 trường học các cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở; trong đó, 19 trường Mầm non, 17 trường Tiểu học, 11 trường Trung học cơ sở, 4 trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông cho biết: Những năm qua, huyện Điện Biên Đông đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, trường lớp. Tuy nhiên, hiện nay toàn huyện vẫn còn 15% phòng học bán kiên cố, phòng tạm; một số trường học còn thiếu phòng ở nội trú, các công trình phụ trợ. Mục tiêu của ngành Giáo dục trong thời gian tới sẽ xóa hết phòng học bán kiên cố, trước hết ưu tiêu cho các điểm bản, đặc biệt là cấp học Mầm non.

Điện Biên: Còn nhiều khó khăn với công tác giáo dục vùng cao ảnh 4Hơn 233 học sinh trường PTDTBT-Tiểu học Tìa Dình, xã Tìa Dình phải sinh hoạt trong 2 phòng nội trú bán kiên cố, chật chội. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Ông Nguyễn Tiến Thắng cũng cho biết, Điện Biên Đông là một trong những địa phương thiếu số lượng giáo viên nhất trong toàn tỉnh Điện Biên, hiện còn thiếu trên 200 giáo viên cấp học Mầm non. Bên cạnh đó, giáo viên tiếng Anh cũng rất thiếu do không có nguồn tuyển, khiến công tác dạy học gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh ra lớp ở tỉnh, nhất là ở bậc Mầm non không ngừng tăng lên, nhưng số lượng người làm việc lại giảm chỉ tiêu (trung bình 1,7%/năm). Bởi vậy, năm học 2021-2022, tính theo định mức, số người làm việc trong ngành giáo dục của tỉnh Điện Biên còn thiếu khoảng 1.650 người, riêng bậc Mầm non thiếu gần 1.200 người. Điều này gây nhiều khó khăn và áp lực cho việc dạy và học ở các nhà trường, nhất là những lớp mầm non chỉ bố trí được 1 giáo viên đứng lớp.

Với giáo viên các bộ môn, toàn tỉnh hiện cũng còn thiếu khoảng 170 giáo viên tiếng Anh và Tin học do thiếu nguồn tuyển. Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu thốn; hệ thống phòng học chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, sân chơi, các công trình phụ trợ cũng còn nhiều hạn chế, thiếu thốn, gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

Xuân Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm