Dịch COVID-19: Trên 10.000 ca mắc trong ngày 19/8, thành lập Trạm y tế lưu động để giảm tải cho cơ sở y tế

Dịch COVID-19: Trên 10.000 ca mắc trong ngày 19/8, thành lập Trạm y tế lưu động để giảm tải cho cơ sở y tế

Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h30 ngày 18/8 đến 19h ngày 19/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.654 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 10.639 ca trong nước.

Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng cao (4.425 ca), đứng thứ hai là Bình Dương (3.255 ca)…, có 6.407 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24h qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong ngày 19/8, có 5.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 120.059 ca.

Ngày 19/8, các nước ghi nhận 380 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (307 ca), Bình Dương (45 ca), Long An (17 ca), Cần Thơ (3 ca), Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Vĩnh Long (mỗi địa phương 2 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 19/8 là 7.150 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho Việt Nam

Chiều 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot về hợp tác vaccine. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng Giám đốc AstraZeneca quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho Việt Nam, đồng thời tăng cường và nỗ lực hoàn thành hợp đồng cung ứng thêm vaccine cho Việt Nam ngay trong tháng 9/2021 và kế hoạch đến cuối năm 2021. Thủ tướng đề xuất và mong muốn AstraZeneca xem xét, trao đổi với các nước khác để được vay, nhượng lại số vaccine hiện chưa có nhu cầu sử dụng; đồng thời xúc tiến các hợp đồng vaccine dành cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, những người có nguy cơ cao, có bệnh nền.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động và mở rộng hợp tác tại Việt Nam trong các lĩnh vực dược phẩm và y tế.

Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ giữa Việt Nam và AstraZeneca đã có nền tảng từ thế kỷ trước và Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác chiến lược, toàn diện, lâu dài với AstraZeneca không chỉ về vaccine mà trong lĩnh vực dược phẩm, y tế nói chung, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược và nâng cao năng lực y tế của Việt Nam, vì mục tiêu chăm lo sức khỏe cho nhân dân là quan trọng nhất.

Tổng Giám đốc AstraZeneca đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch và sự triển khai quyết liệt chiến lược vaccine của Chính phủ. Đáp lại đề nghị của Thủ tướng, Tổng Giám đốc AstraZeneca Pascal Soriot cam kết sẽ cung ứng vaccine theo đúng kế hoạch, đồng thời tăng thêm số lượng phân bổ vaccine cho Việt Nam trong tháng 8 từ nguồn của Tập đoàn và các nguồn khác.

Kiểm tra việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine COVID-19

Chiều 19/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng COVID-19 đã tới kiểm tra việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine dự tuyển phòng bệnh COVID-19 bất hoạt mới (COVIVAC) tại Trung tâm y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020, trên cơ sở hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất, trong đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị nhận thử nghiệm, Đại học Y Hà Nội là đơn vị triển khai thử nghiệm. Trong giai đoạn 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình là đơn vị phối hợp triển khai.

Ngày 7/8, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp thông qua đề cương nghiên cứu giai đoạn 2 vaccine COVIVAC do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế trực thuộc Bộ Y tế (IVAC) sản xuất.

Mục tiêu của giai đoạn 2 là đánh giá công thức và liều lượng vaccine COVIVAC nào là tối ưu cho giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Tính an toàn và đáp ứng miễn dịch cũng sẽ tiếp tục được đánh giá. Nhóm nghiên cứu triển khai gối đầu giai đoạn 2 sau khi có kết quả giữa kỳ giai đoạn 1. Dự kiến tháng 11 sẽ có kết quả giữa kỳ của giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng.

Trong sô 375 người tình nguyện viên tham gia giai đoạn 2 gồm 2 nhóm đối tượng: nam và nữ, nhóm tuổi từ 18-59 và ≥ 60 tuổi. Tiếp tục được phân thành 3 nhóm, mỗi nhóm 125 người (1:1:1); trong đó độ tuổi ≥ 60 tuổi chiếm tỷ lệ 1/3. Mỗi nhóm được chia ra tiêm 2 mức liều khác nhau: mức liều 3mcg, mức liều 6mcg của vaccine COVIVAC và tiêm vaccine AstraZeneca (AZD1222). Trong 2 ngày 18-19/8, tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình triển khai tiêm liều 1 cho 131 tình nguyện viên.

“Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đánh giá ngay, nếu kết quả tốt, chọn được liều phù hợp và khẳng định được tính sinh miễn dịch bước đầu sẽ cho triển khai ngay pha 3. Nếu đánh giá tốt, tháng 12 sẽ có kết quả ban đầu của giai đoạn 3. Vaccine chứng minh được độ an toàn, tính sinh miễn dịch cao, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả thì có thể đề xuất Hội đồng đạo đức, Hội đồng cấp phép để xem xét, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp”, Thứ trưởng cho biết.

Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế trực thuộc Bộ Y tế (IVAC) chia sẻ: Ưu điểm của vaccine COVIVAC là được sản xuất bằng công nghệ trứng gà có phôi, đây là công nghệ sản xuất vaccine cúm truyền thống đang được sử dụng rộng rãi. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã có đủ năng lực sản xuất vaccine ở quy mô lớn với giá cả hợp lý để phòng chống đại dịch. Việc bổ sung vaccine COVID-19 sản xuất bằng công nghệ trứng gà có phôi vào kho vũ khí phòng chống dịch bệnh có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận do việc vận chuyển vaccine thuận tiện, năng lực sản xuất lớn, bảo quản theo dây chuyền lạnh tiêu chuẩn, cho phép kiểm soát tốt hơn nguồn cung vaccine cho Việt Nam và các quốc gia khác.

Thiết lập mô hình Trạm Y tế lưu động

Sáng 19/8, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có thiết lập mô hình triển khai Trạm Y tế lưu động với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương thiết lập mô hình Trạm Y tế lưu động tuyến xã, phường với phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân”. Trước đây, mỗi xã phường có một Trạm Y tế, trong bối cảnh hiện nay có thể bố trí nhiều hơn, nhất là tại khu vực đông dân cư, nhiều người mắc COVID-19 như tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe ý kiến từ các địa phương và chuyên gia của Bộ Y tế tại các điểm cầu, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Mô hình Trạm Y tế lưu động là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn tại các địa phương không thể quản lý điều trị F0 tại những khu vực tập trung.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc thiết lập các Trạm Y tế lưu động để phục vụ quản lý, điều trị người mắc tại cộng đồng, trước mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý các địa phương còn lại chuẩn bị sẵn sàng triển khai mô hình này để nếu xảy ra tình huống như trên có thể kích hoạt ngay. Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tạm thời quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và Hướng dẫn mô hình hoạt động Trạm Y tế lưu động.

Chiều 19/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận huyện, thành phố Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn. Kế hoạch này nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị; giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3; giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.

Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu các xã, phường, thị trấn cần khẩn trương xây dựng ngay Trạm y tế lưu động bằng cách tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân… để làm trụ sở hoạt động. Mỗi Trạm y tế lưu động phải bố trí 1 phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chính, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy và trang thiết bị ... cùng nơi nghỉ ngơi cho nhân viên.

Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏc tại nhà cho người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vaccine ... dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Y tế quận, huyện với chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và Sở Y tế.

Dự kiến mỗi Trạm y tế lưu động sẽ quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 trường hợp F0. Về nhân lực, mỗi Trạm y tế lưu động có ít nhất 1 bác sỹ, 2-3 điều dưỡng được luân chuyển từ Trạm y tế, Trung tâm Y tế, cơ sở y tế tư nhân và nhân lực tăng cường của Thành phố, Trung ương (khi thật sự cần thiết); 3-4 nhân sự khác (Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ Thập đỏ, nhà thuốc tư nhân hoặc huy động người F0 đã khỏi bệnh, có nguyện vọng chăm sóc người F0) do Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn đề xuất. Tất cả nhân sự này đều phải được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người bệnh.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm