Dịch COVID 19: Sáng 21/7, nước ta ghi nhận 2.787 ca mắc mới COVID-19

Người dân được kiểm tra thân nhiệt tại Chốt kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Người dân được kiểm tra thân nhiệt tại Chốt kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 18 giờ 30 phút ngày 20/7 đến 6 giờ ngày 21/7, nước ta ghi nhận 2.787 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 2.775 trong nước. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận (1.739 ca), Bình Dương (657 ca), Đồng Nai (85 ca), Tiền Giang (65 ca), Vĩnh Long (39 ca), Khánh Hòa (38 ca), Bến Tre (35 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (18 ca), Cần Thơ (16 ca), Đắk Lắk (13 ca), Kiên Giang (12 ca), Bình Phước (12 ca), Hậu Giang (9 ca), Long An (8 ca), Hà Giang (6 ca), Phú Yên (5 ca), Đắk Nông và Hà Nội ( mỗi nơi 4 ca), Quảng Ngãi (3 ca), Bình Định, Nghệ An, Lâm Đồng (mỗi nơi 2 ca), Gia Lai (1 ca); trong đó có 393 ca trong cộng đồng.

Tính đến sáng 21/7, Việt Nam có tổng cộng 65.607 ca mắc, trong đó có 63.510 ca mắc trong nước và 2.097 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 61.940 ca, trong đó có 8.669 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 11/59 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Đến thời điểm này, có 11.443 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta đã được điều trị khỏi. Số bệnh nhân nặng đang phải điều trị ICU là 123 ca; có 18 ca đang nguy kịch phải điều trị ECMO.

Số lượng xét nghiệm được thực hiện từ ngày 27/4/2021 đến nay là 4.661.532 xét nghiệm cho 12.486.026 lượt người.

Trong ngày 20/7, có 26.355 liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine ở nước ta đã được tiêm là 4.336.833 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.019.161 liều, tiêm mũi 2 là 317.672 liều. Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; y tế ngành; các bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.

Ngày 20/7, Tổ công tác của Bộ Y tế giúp Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 cùng một số cơ quan của quận Tân Phú tiếp tục có thêm nhiều tư vấn sát thực giúp bảo vệ người lao động, tránh đứt gãy sản xuất. Từ nhiều ngày nay, các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động theo công văn 2337/UBND-TH của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”. Đó là sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ, đồng thời đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”…

Trước đó, Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời đảm bảo sản xuất cung ứng nguồn oxy y tế tại Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam Singapore I, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Trong tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, công ty sẽ nâng cao công suất lên gấp 2 lần so với hiện nay (tức 1.000 bình oxy mỗi ngày) để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn và các tỉnh thành.

Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Quân Y 175, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động với quy mô 200 giường. Ngay sau đó, 22 bệnh nhân ở mức độ vừa và nặng đã được chuyển đến điều trị. Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức (Thảnh phố Hồ Chí Minh) triển khai thử nghiệm hướng dẫn cho người dân trên địa bàn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 20/7, bệnh viện có 4.423 F0 đang điều trị. Từ ngày 27/6 đến nay, số bệnh nhân được xuất viện là 1.712 người (trong đó có 190 ca vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng có chỉ số nồng độ virus thấp CT>=30). Đây là một tin vui giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng.

Tỉnh Đồng Nai đã Ban hành kế hoạch thí điểm cách ly F1 tại nhà ở 4 huyện, thành phố trên địa bàn gồm thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom, từ ngày 20/7 đến ngày 23/8; báo cáo kết quả thực hiện thí điểm trước ngày 30/8.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm