Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 7/7, Việt Nam ghi nhận 1.007 ca mắc mới, gồm 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 997 ca trong nước.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận nhiều nhất với 766 ca, Bình Dương 60 ca, Khánh Hòa 41 ca, Vĩnh Long 24 ca, Long An 19 ca, Tiền Giang 18 ca, Phú Yên 14 ca, Quảng Ngãi 13 ca, Bắc Ninh 6 ca, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đồng Tháp mỗi tỉnh 5 ca, Trà Vinh, Hà Nội mỗi địa phương 3 ca, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An mỗi địa phương 2 ca, Hà Tĩnh, Cà Mau, Đắk Lắk, Thanh Hóa mỗi địa phương 1 ca; trong đó 968 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 19h30 ngày 7/7, Việt Nam có tổng cộng 21.180 ca ghi nhận trong nước và 1.891 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 19.610 ca, trong đó có 5.753 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Cả nước có 12 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới gồm: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Kiên Giang.
Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Gia Lai, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thanh Hoá, Hà Nam, Cà Mau, Vĩnh Phúc.
Từ ngày 27/4/2021 đến nay cả nước đã thực hiện 3.633.046 xét nghiệm cho 8.591.007 lượt người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, trong ngày có 480 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã có 8.557 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh; 102 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.
Chiều 7/7, tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, để sẵn sàng cho việc thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân không bị xáo trộn và ảnh hưởng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Thành phố cần tiếp tục chuẩn bị để thực hiện giãn cách xã hội trên tinh thần nâng cao hơn một mức, thực hiện các biện pháp mạnh hơn để dập dịch sớm hơn nhưng vẫn phải đảm bảo đời sống của người dân.
Phó Thủ tướng lưu ý, khi giãn cách xã hội trên toàn thành phố, với điều kiện mật độ dân số đông, các địa phương xung quanh chưa thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh/thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất.
“Phải tận dụng triệt để những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để khống chế các ổ dịch. Đội ngũ nhân lực chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh có trình độ chuyên môn cao so với bằng chung, nên cần phát huy cách phòng, chống dịch sáng tạo của thành phố. Thực tiễn còn khác so với hướng dẫn, quy định cứng, thành phố mạnh dạn thí điểm, triển khai. Tinh thần là hiệu quả trên hết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngay trong chiều 7/7, kết luận của cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày, từ 0 giờ ngày 9/7.
Đánh giá diễn biến dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đang rất phức tạp và có khả năng tăng nhanh trong những ngày tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết. Bộ Y tế và Bộ phận thường trực đã liên tục làm việc cũng như tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch và giám sát dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Đối với các địa phương đang là điểm nóng dịch bệnh hiện nay Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bộ Y tế đã thành lập và cử 7 đoàn công tác của Bộ đến hỗ trợ chống dịch tại 7 các địa phương này, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ ra lời kêu gọi lực lượng cán bộ y tế trên toàn quốc tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.
Đội ngũ gần 10 nghìn cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân” để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay hơn 3.300 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, sinh viên các trường y dược thuộc Bộ Y tế đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế để tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
Dự kiến, Bộ Y tế sẽ thiết lập 24 đoàn công tác để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong kiểm soát tình hình dịch bệnh.
PV