Di tích lịch sử cách mạng xã Bình Long (Hòa An - Cao Bằng)

Di tích lịch sử cách mạng xã Bình Long (Hòa An - Cao Bằng)
Nhà ông Đàm Nhật Chảnh được UBND tỉnh quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh năm 2001.
Nhà ông Đàm Nhật Chảnh được UBND tỉnh quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh năm 2001.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bình Long gồm có 3 xã: Bình Loan, Bà Đông, Hòa Ninh. Bình Long là tên bí danh của liệt sỹ Đàm Cao Giới, người có công tích cực tham gia giúp đỡ và bảo vệ cách mạng đã hy sinh tháng 2/1945. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 2/1946, Chính phủ chỉ thị hoạch định lại ranh giới các xã, xây dựng chính quyền nhân dân ở địa phương. Để tưởng nhớ công lao liệt sỹ Đàm Cao Giới, nhân dân địa phương đã đặt tên cho xã là xã Bình Long đến ngày nay. Từ tháng 6/1953, xã Bình Long có 4 thôn: Thanh Hùng, Chấn Hưng, Thái Cường, Bình Lương (gồm Lũng Chung, Khuổi Luông).

Trong những năm 1930 - 1945 và những năm 50 thế kỷ XX, xã Bình Long là địa bàn hoạt động bí mật của các đồng chí cán bộ cách mạng đã gây dựng cở sở cách mạng vững chắc. Các đồng chí cán bộ cách mạng ở đây đã nhận định: Vọng gác tuy là của địch song nhân dân trong bản là của ta. Các cán bộ của ta vẫn bí mật ra vào các làng bản sinh hoạt bình thường vì mỗi làng, mỗi xóm đều có cơ sở Việt Minh, hội viên các hội Việt Minh cứu quốc thành lập đã được giác ngộ hoàn toàn, tin theo Đảng, theo cách mạng. Họ đã tích cực giúp đỡ về mọi mặt để ủng hộ, bảo vệ cán bộ cách mạng và cơ sở Đảng, lúc thì ở trong làng bản, lúc thì ở trên núi (Lũng Chung) vẫn đảm bảo bí mật, an toàn.

Bình Long có di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu, là nhà ông Đàm Nhật Chảnh, xóm Ảng Giàng, xã Bình Long (1940 - 1944), nhà ông Bế Ích Bồng (1949 - 1951).

Nhà ông Đàm Nhật Chảnh được chọn làm nơi hội họp của Tổng bộ Việt Minh, là cơ sở hoạt động của các đồng chí cán bộ cách mạng Trung ương và địa phương như: Phạm Văn Đồng, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp, Hoàng Sâm, Lê Tòng, Lã... Ngôi nhà ông Đàm Nhật Chảnh đã được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh theo Quyết định số 1189/QĐ-VX-UB, ngày26/7/2001 của UBND tỉnh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Cao Bằng (1949 - 1951) ở xóm Thua Khau, xã Bình Long, nhà ông Bế Ích Bồng (tức giáo Bồng) được chọn làm cơ quan làm việc của Tỉnh ủy Cao Bằng. Từ trung tâm căn cứ địa Việt Bắc lên Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng (tháng 1/1950) và thực hiện chuyến đi bí mật ra nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô) để quan hệ ngoại giao nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ Việt Nam đánh Pháp thắng lợi... Sau khi thực hiện chuyến đi bí mật ra nước ngoài công tác trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nghỉ đêm tại nhà ông Nông Công Quận ở xóm Pác Gậy, xã Bình Long (tháng 3/1950) và tiếp tục trở lại căn cứ địa Việt Bắc lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhà ông Bế Ích Bồng đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3075/QĐ-VX-UB, ngày 11/12/2003 của UBND tỉnh.

Xã Bình Long là địa bàn đảm bảo an toàn, bí mật thông suốt con đường giao thông liên lạc cách mạng giữa huyện Hà Quảng với huyện Hòa An, đó là con đường từ Pác Bó đến Lam Sơn (1940 - 1945), khi đó lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã nhiều lần đi lại (1942, 1945).  

Với đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Long trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những di tích lịch sử cách mạng có giá trị đã góp phần quan trọng cho cách mạng thắng lợi, xã Bình Long được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu từ ngày 18/6/2014.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm