Đoàn công tác trao tiền hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại bởi dông lốc ở Hậu Giang. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN |
Theo đó, các sở, ban, ngành của tỉnh chủ động đề ra giải pháp phù hợp hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo nói chung và hộ nghèo có thành viên thuộc chính sách người có công; quan tâm bố trí nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ đối với các địa phương có số hộ nghèo là người có công cao. Các đơn vị có chính sách tín dụng ưu đãi, bố trí vốn vay lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hậu Giang tăng cường vận động hội viên, đoàn viên các đoàn thể chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp, nhận đỡ đầu, trợ giúp hộ nghèo có thành viên thuộc chính sách người có công. Các địa phương phân công các đơn vị ở cơ sở có năng lực, trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thuộc chính sách người có công. Các đơn vị, tổ chức Đảng, đoàn thể từ huyện đến cơ sở chịu trách nhiệm hỗ trợ từng hộ nghèo có thành viên là người có công trên địa bàn. Nhiệm vụ hỗ trợ người có công thoát nghèo là một nội dung quan trọng để đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị, tổ chức trong năm 2019 – 2020. Theo bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, ngành đang cụ thể các giải pháp giảm nghèo theo từng nhóm đối với hộ nghèo là người có công trên địa bàn tỉnh. Đối với nhóm hộ thiếu vốn sản xuất, đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất, ngành sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu tiên vay vốn ưu đãi với những hộ chí thú làm ăn. Đối với nhóm hộ thiếu lao động, có lao động không có việc làm, ngành ưu tiên hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm trong tỉnh, hỗ trợ xuất khẩu lao động; tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo. Đối với nhóm hộ có đất sản xuất nhưng không biết cách làm ăn, ngành tập trung hỗ trợ, định hướng cách làm ăn gắn với tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới trong chăn nuôi, sản xuất. Đối với nhóm hộ hết tuổi lao động, bệnh tật, bảo hiểm xã hội, ngành tiếp tục giải quyết đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm tất cả người có công hưởng thụ chế độ đúng quy định. Đối với nhóm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ngành tăng cường nguồn lực vận động, tranh thủ các nguồn kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ. Đến nay, tỉnh Hậu Giang còn 274 hộ nghèo là chủ hộ hoặc có thành viên thuộc chính sách ưu đãi người có công, chiếm 1,89% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Các địa phương có nhiều hộ người có công thuộc diện nghèo là huyện Phụng Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ…
Hồng Dân