Nhiều hộ dân trồng bắp (ngô) lấy cây để bán (hay còn gọi là trồng bắp sinh khối) trên địa bàn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang như “ngồi trên đống lửa” vì bắp đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được doanh nghiệp liên kết thu mua.
Những ngày này ông Thái Văn Trị, ngụ tổ 9, thôn Xuân Tân, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức lo lắng không yên, vì hiện ông đang trồng 4 ha bắp sinh khối; trong đó, 3,1 ha là diện tích nằm trong danh sách liên kết với doanh nghiệp. Thế nhưng đến nay, vườn bắp của gia đình ông đã đến kỳ thu hoạch nhưng không thấy doanh nghiệp liên kết thông tin gì về việc thu hoạch.
Ông Trị chia sẻ, 4 ha này ông đã đầu tư 50 triệu đồng tiền giống, phân, thuốc, công chăm sóc… nếu không bán được, thì số bắp này ông không biết phải giải quyết ra sao.
“Vụ Hè Thu này, do là mùa mưa nên gia đình tôi đã có ý định trồng cây khoai mì (sắn), thế nhưng được các cấp chính quyền xã, Hội Nông dân huyện vận động chuyển qua trồng bắp sinh khối. Chính quyền xã, huyện cho biết người dân chuyển qua trồng mô hình này sẽ được UBND huyện Châu Đức hỗ trợ 50% chi phí giống và phân bón, lại được doanh nghiệp liên kết bao tiêu hết sản phẩm. Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cũng không thấy đơn vị liên kết liên hệ để thu mua”, ông Trị lo lắng cho biết thêm.
Còn anh Thái Hoàng Quốc Tuyển, cùng ngụ ấp Xuân Tân, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức cũng đang trồng 2ha bắp sinh khối chia sẻ, được các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về việc trồng bắp sinh khối, thế nên khi thấy trời bắt đầu có mưa ngày 17/5 gia đình anh đã bắt đầu xuống giống trồng loại bắp này. Đến nay, bắp của gia đình anh đã được 91 ngày, bắt đầu khô cây nhưng vẫn chưa được thu mua. Điều này khiến gia đình anh lo lắng không yên.
“Do trồng bắp sinh khối chỉ lấy cây để bán, nếu doanh nghiệp không thu mua chúng tôi không biết phải xử lý như thế nào, cây bắp thì đã bắt đầu khô thân do đã quá ngày thu”, anh Tuyển lo lắng cho biết thêm.
Ngoài xã Xuân Sơn, tại các xã Đá Bạc, Sơn Bình, Bình Giã, huyện Châu Đức hàng loạt hộ dân trồng bắp sinh khối cũng đang trong tình trạng bắp đến kỳ thu hoạch nhưng không có doanh nghiệp thu mua, khiến nhiều nông dân rất lo lắng. Một số hộ nông dân tự ý trồng không theo liên kết của doanh nghiệp đang được thương lái thu mua cũng không hiểu lý do gì mà ngừng thu mua, khiến nhiều hộ dân cũng đang phải chặt bỏ bắp cho bò ăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức – người đứng ra ký kết hợp đồng trực tiếp với phía Công ty cổ phần Nhật Nhật Tân, có địa chỉ văn phòng tại đường Lê Hồng Phong, phường 4, thành phố Vũng Tàu. Ông Thân Xuân Động cho biết, dự án này Hội Nông dân huyện ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Nhật Nhật Tân triển khai cho 106 hộ nông dân đăng ký, với diện tích trên 100ha trên địa bàn 4 xã của huyện.
Trong quá trình triển khai chưa thể ký hợp đồng với từng hộ dân được, chỉ có hợp đồng ký được giữa Hội Nông dân với doanh nghiệp. Đến thời điểm này, đã đến kỳ thu hoạch tuy nhiên, do thủ tục pháp lý của phía doanh nghiệp về việc đưa nhà máy sản xuất chế biến đi vào hoạt động chưa hoàn thiện. Vì vậy, công ty chưa dám sản xuất, mặc dù đã lắp ráp máy để sẵn sàng sản xuất.
Hội cùng phía doanh nghiệp đã đề nghị UBND huyện cho doanh nghiệp sản xuất tạm thời để kịp thời thu hoạch bắp cho nông dân trên địa bàn huyện, vì bắp đã đến ngày thu hoạch. Nếu để quá thời gian thu hoạch, chất lượng cây bắp sẽ không đạt để công ty thu mua.
Ông Thân Xuân Động cũng thông tin, nếu phía doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, thì việc trồng bắp sinh khối sẽ đem lại nguồn thu khá ổn định cho nông dân. Vì bắp sinh khối có thể trồng được 3 vụ/năm, mỗi hecta nông dân có thể lãi trên 30 triệu đồng, thời gian trồng chỉ từ 87-90 ngày, cao gấp nhiều lần cây trồng ngắn ngày khác, lại không mất nhiều công, chi phí chăm sóc.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty cổ phần Nhật Nhật Tân thông tin, doanh nghiệp hiện đã xây dựng một nhà máy chế biến và ủ cây bắp lên men ngay tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức để xuất khẩu. Tuy nhiên, do đang vướng trong một số thủ tục trong việc xin giấy phép hoạt động nhà máy chế biến nên đến nay vẫn chưa được cơ quan có chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy phép để nhà máy đi vào hoạt động, mặc dù máy móc đã được công ty sẵn sàng rắp ráp.
Trước khó khăn trên, phía doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND huyện Châu Đức cấp giấy phép để nhà máy hoạt động tạm thời trong thời gian bắp của người dân đã đến kỳ thu hoạch, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn chưa thể xin được giấy phép tạm hoạt động.
Phía Công ty cổ phần Nhật Nhật Tân cũng thông tin: đối với phần diện tích bắp của người dân có đường xá đi lại thuận tiện sẽ được phía doanh sẽ thu mua tại ruộng cho bà con, với giá 700 - 800 đồng/kg; phần diện tích mà xe của công ty không tới được ruộng, bà con sẽ phải tự thu hoạch và chở tới nhà máy, công ty sẽ thu mua với giá 1.000 - 1.050 đồng/kg.
Hoàng Nhị