Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết, năm nay phiên họp của Hội đồng được tổ chức sớm hơn mọi năm, việc đàm phán tiền lương dự kiến kết thúc vào tháng 7/2019. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã làm việc với Tổng cục Thống kê về số liệu, mức sống tối thiểu để Hội đồng Tiền lương quốc gia có cơ sở xem xét, quyết định mức lương tối thiểu vùng năm 2020. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%, đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện. Đáng chú ý, ở nhóm có lương cao hơn lại có mức tăng thấp hơn, trong khi ở nhóm có mức lương thấp lại tăng cao hơn. Điều này chứng tỏ mức điều chỉnh ngày càng tiệm cận dần với nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, mức tăng này mới chỉ đáp ứng khoảng 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Đời sống của một bộ phận công nhân hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra 2 phương án tăng lương. Theo đó, phương án 1 có mức tăng 8,18% (tăng 180.000 đồng đến 380.000 đồng); phương án 2 có mức tăng 7,06% (tăng từ 160.000 đồng đến 330.000 đồng). Theo ông Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình hình kinh tế năm 2019 thuận lợi cho việc tăng lương tối thiểu 2020. Mục tiêu đưa mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu đã được quy định rõ trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Việc cần làm là "lấp đầy" khoảng trống chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đề nghị VCCI không chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng 2020. Về cơ bản, các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2019 được đề xuất tăng 5,3%, cụ thể: 72,5% doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6%; 2,1% doanh nghiệp tăng 5,9%. Đồng thời, việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là điều chỉnh các phần có liên quan chứ không có ý nghĩa nhiều đối với mức lương tối thiểu của người lao động. "Trong khi đó, tăng lương tối thiểu lại làm tăng các chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh đang cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh" - ông Hoàng Quang Phòng nói.
Hạnh Quỳnh