Đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới vào cuối năm 2022, đầu năm 2023

Đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới vào cuối năm 2022, đầu năm 2023

Nhận định về các hình thái thời tiết trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ nay đến tháng 2/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 1-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng xảy ra bão và mưa lớn tại khu vực miền Trung trong cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2022.

Ngoài ra, không trừ khả năng tháng 1/2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

Đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 ảnh 1Mưa lớn kéo dài từ rạng sáng ngày 20/11 đến thời điểm hiện tại đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngập nặng. Tại phường Ghềnh Ráng, dòng lũ đổ về rất mạnh, chảy xiết gây ngập nhiều khu dân cư. Có đoạn ngập sâu từ 1- 1,5 mét khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Khu vực phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn bị ngập sâu. Ảnh: Lê Ngọc Phước - TTXVN

Tổng lượng mưa khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 60-130mm; các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng - Bình Thuận cao hơn khoảng 150-250mm. Tháng 1-2/2023, tổng lượng mưa ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ cao hơn từ 10- 40mm so với trung bình nhiều năm.

Từ tháng 12/2022-2/2023, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện mưa rào và dông cục bộ, tổng lượng mưa tháng 12/2022 phổ biến cao hơn từ 15-80mm so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 1-2/2023, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5-20mm so với trung bình nhiều cùng thời kỳ.

Từ nửa cuối tháng 11 đến tháng 12/2022, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Trung, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của thủy triều với xu thế xuống dần và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1- 0,2m. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm.

Phó Giám đốc Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh, các đợt không khí lạnh vào các tháng cuối năm 2022 có khả năng gây sóng cao 2- 4m cho toàn bộ vùng biển từ Bắc vào Nam, riêng vùng biển Cà Mau - Kiên Giang, sóng biển cao phổ biến 1-2m.

Ven biển khu vực Trung Bộ cần lưu ý đề phòng nước dâng do bão, áp thấp nhiệt đới trong tháng 12 với xác xuất khoảng 70%. Trong nửa cuối tháng 11 và tháng 12/2022, khu vực ven biển Trung Bộ (các tỉnh từ Phú Yên trở vào phía Nam) và ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện nước dâng do gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh.

Cùng với đó, từ nửa cuối tháng 11/2022 - 2/2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường: Đợt 1 từ ngày 23-29/11, đợt 2 từ ngày 7-11/12, đợt 3 từ ngày 21-29/12, đợt 4 từ ngày 6-10/1/2023, đợt 5 từ ngày 21-26/1/2023 và đợt 6 từ ngày 19-24/2. Các đợt cường tháng 11-12/2022 và tháng 1/2023, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4,15m. Trường hợp triều cường trùng với thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển và cửa sông khu vực ven biển Nam Bộ.

Trước những hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên, chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và hệ thống dự báo địa phương.

Bên cạnh đó, chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời các thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau và vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối đối với người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Người dân trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; cần tìm hiểu thêm về những thiên tai trong khu vực mình sinh sống như xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, lụt.

Người dân cũng cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó. Người dân cần chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng và trang bị cần thiết cho phòng, tránh thiên tai khi có cảnh báo.


Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm