Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh (Bài 2)

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh (Bài 2)

Bài 2: Chưa bứt phá như kỳ vọng 

Ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tuy đã phục hồi sau đại dịch nhưng đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phát triển như sản phẩm du lịch còn trùng lặp, chưa mang tính đặc thù, đặc sắc; hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển... Đây là những khó khăn kìm hãm ngành Du lịch của vùng tăng tốc.

Kích cầu chưa hấp dẫn

Tại hội nghị liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại An Giang, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho rằng, năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Trong khi Việt Nam đón được khoảng 2,7 triệu lượt khách quốc tế, thì Thái Lan đón 7,56 triệu lượt, Singapore đón 3,74 triệu lượt, Malaysia đón 4,5 triệu lượt.

Bà Thắng đánh giá, mặc dù có nhiều nỗ lực phát triển du lịch nhưng sản phẩm du lịch, các chương trình kích cầu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chưa mới, chưa thật sự hấp dẫn. Các chương trình quảng bá, xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước sau đại dịch tại thị trường quốc tế còn khá ít, dẫn đến khách quốc tế thiếu thông tin về chính sách mở cửa của du lịch Việt Nam. Thực tế đó đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết, phát triển du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Xu hướng đi du lịch hiện nay của khách nội địa và quốc tế thường lựa chọn du lịch thông minh. Du khách sẽ xây dựng kế hoạch đi du lịch từ khi còn ở nhà nhưng nhiều tỉnh trong vùng có các sản phẩm du lịch giống nhau khiến du khách bối rối khi lựa chọn điểm đến tham quan.

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh (Bài 2) ảnh 1Thành phố Long Xuyên (An Giang) hai bên bờ sông Hậu. Ảnh: Thanh Sang – TTXVN

Điểm đến tương đồng

Nói về xu hướng du lịch tham quan, trải nghiệm hiện nay của du khách nội địa và quốc tế, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, thông thường du khách sẽ chọn điểm đến đầu tiên là Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, du khách mới xác định, chọn điểm đến thứ 2 là du lịch biển ở miền Trung hoặc Phú Quốc (Kiên Giang) hoặc du lịch sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long lại ít hấp dẫn với khách du lịch, nhất là khách quốc tế bởi các sản phẩm du lịch có nhiều nét tương đồng.

Ông Thư lý giải, nếu trải nghiệm du lịch sông nước miệt vườn ở Tiền Giang có thể thấy giống với như trải nghiệm ở Vĩnh Long, Bến Tre. Nếu du lịch trải nghiệm văn hóa Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng thấy tương đồng như ở An Giang. Trải nghiệm về du lịch sinh thái ở Gáo Giồng (Đồng Tháp), Tràm Chim (Đồng Tháp), rừng tràm Trà Sư (An Giang) thì cũng giống như đang du lịch trải nghiệm ở sân chim Bạc Liêu, Long An, Bến Tre… Vì vậy, các địa phương cần thống nhất để xác định đâu là sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc sắc của địa phương mình để liên kết cùng nhau phát triển.

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh (Bài 2) ảnh 2Với vẻ đẹp hoang dã, rừng tràm Trà Sư luôn có sức hút lớn đối với khách du lịch khi đến với An Giang. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng gợi ý, những sản phẩm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long cần phân ra cho nhiều lứa tuổi như phục vụ du lịch khám phá dành cho giới trẻ; du lịch nghỉ dưỡng cho người già. Mỗi tỉnh xác định một sản phẩm du lịch thế mạnh, sau đó liên kết với nhau cùng phát triển tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn để cạnh tranh với các điểm ở các nước Đông Nam Á.

Hạ tầng hạn chế

Ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, du lịch cộng đồng là chất liệu rất tốt trong chiến lược phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long dễ "gây thương nhớ" đối với du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong các chính sách phát triển du lịch ở các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, bảng màu du lịch cộng đồng chưa được tích hợp rõ nét trong quy hoạch và phát triển du lịch. Để sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thêm hấp dẫn, các tỉnh cần có chính sách, xem xét quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh (Bài 2) ảnh 3Ngoài du lịch, rừng tràm Trà Sư còn có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Chỉ ra một số tồn tại trong ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, theo Phó Tổng Giám đốc điều hành Saigontourist Group, Trương Đức Hùng các điểm khảo sát còn khá mới, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, hạ tầng dịch vụ còn yếu. Đặc biệt, nguồn nhân lực và một số điểm dịch vụ chưa đồng bộ nên chưa thể khai thác ngay. Hiện thông tin về các điểm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long còn khá ít, khách quốc tế khó tiếp cận. Các địa phương trong vùng cần cung cấp thêm hình ảnh, thông tin các điểm đến cho du khách; cần có chính sách giá kích cầu đủ mạnh để tạo sức hút đối với du khách.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tài nguyên du lịch chỉ là điều kiện cần, nếu tài nguyên du lịch chỉ dừng lại ở đó thì cũng khó để có thể tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Để tài nguyên du lịch trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, các tỉnh cần đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch, đào tạo kỹ năng nghề, tạo ra sản phẩm đặc trưng. (Xem tiếp Bài 3: Liên kết cùng phát triển)

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm