Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bước vào cuộc chiến trước làn sóng thứ tư của dịch COVID-19, với một kịch bản mới, nhiều khó khăn, thử thách. Tại cuộc họp khẩn trưa 30/5, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định từ 0 giờ ngày 31/5, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; riêng tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với quy định nhà giãn cách nhà, khu phố giãn cách khu phố, phường giãn cách phường trong vòng 15 ngày.
Đây là giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt cần thiết khi dấu hiệu của dịch COVID-19 lây lan diện rộng, xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ, đảm bảo các "pháo đài" phòng, chống dịch COVID-19 không bị "xuyên thủng".
Chỉ sau 5 ngày (từ tối 26/5 đến trưa 30/5), tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ chỗ phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và được xác định liên quan đến tổ chức tôn giáo có tên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp, chuỗi lây nhiễm này đã nâng lên 126 trường hợp được xác định dương tính với SARS-CoV-2, trở thành chuỗi lây nhiễm lớn nhất tại thành phố kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay.
Liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại điểm sinh hoạt tôn giáo này, các lực lượng chức năng, đặc biệt là ngành y tế đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình truy vết, khoanh vùng, tìm những người liên quan. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, việc khai thác dịch tễ của các thành viên Hội thánh rất khó bởi họ không hợp tác với cơ quan chức năng, giấu thông tin, khai báo không trung thực.
Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện, vợ của mục sư P.V.T (bà V.X.L., sinh năm 1956) đã đi Hà Nội từ ngày 23-29/4 và ngày 13/5 bệnh nhân này bắt đầu xuất hiện triệu chứng đầu tiên nhưng không khai báo, không đi khám bệnh. Bệnh nhân này đang trong tình trạng chuyển nặng, viêm phổi tiến triển và đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả giải trình tự gen SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh này đều thuộc biến chủng lần đầu phát hiện ở Ấn Độ, biến chủng đang có mức độ lây lan nhanh hiện nay.
Tính đến sáng 30/5, liên quan đến chuỗi lây nhiễm này, lực lượng chức năng đã xác định được gần 2.200 người là F1, hơn 60.000 người F2, cùng với đó là cả trăm ngàn người liên quan khác trong các khu vực bị phong tỏa, khoanh vùng để truy vết.
Mặt khác, theo thống kê, đã có 16/22 địa phương tại thành phố có liên quan đến các ca bệnh; một số tỉnh, thành phố khác cũng ghi nhận trường hợp nhiễm xuất phát từ chuỗi lây nhiễm của Hội thánh này. Và những con số này chắc chắn không dừng ở đó, tiếp tục gia tăng trong những ngày tới khi số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang tiếp tục được ghi nhận.
Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh đang có chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, có 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Điểm đáng quan ngại của ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là đã có hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 làm việc tại Khu Công nghiệp Tân Bình và Công viên phần mềm Quang Trung. Đặc biệt, sau khi xét nghiệm 400 nhân viên làm việc chung tòa nhà tại Công viên phần mềm Quang Trung đã có 3 trường hợp F1 dương tính với SARS-CoV-2.
Nguyên nhân lây lan nhanh của chuỗi lây nhiễm này cũng đã được xác định, đó là Hội nhóm này sinh hoạt cùng nhau trong một không gian nhỏ hẹp, kém thông thoáng, không đeo khẩu trang. Điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, cùng với biến chủng virus được phát hiện ở Ấn Độ đã tạo thành một chuỗi lây nhiễm mạnh, số lượng nhiễm cao.
Biến chủng mới nguy hiểm vì tính chất lây lan nhanh, thời gian lây nhiễm ngắn. Trong số các trường hợp nhiễm liên quan, đã xuất hiện trường hợp F2. "Nếu không khoanh vùng, sớm tìm ra bệnh nhân thì sẽ là nguồn lây cho cộng đồng", Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý.
Để chặn đứng hoàn toàn chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh này nói riêng, các chuỗi lây nhiễm khác trong thành phố và cả nước nói chung, bên cạnh việc đẩy nhanh xét nghiệm, truy vết để dịch không tiếp tục lây lan từ những trường hợp đã phát hiện, thì việc cần phải làm nữa là tìm ra tất cả những người sinh hoạt chung trong Hội thánh này và liên quan đến các chuỗi lây nhiễm.
Theo ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, những người này nếu còn trong cộng đồng thì sẽ thành nguồn lây rất nguy hiểm, đặc biệt ở những người không có triệu chứng. Thực tế cho thấy, con số hội viên liên quan đến Hội thánh này cao hơn con số đăng ký với chính quyền địa phương. Nhưng vì nhiều lý do mà không chịu khai báo cho đến khi có dấu hiệu bị bệnh. Bằng chứng là đã có những trường hợp có triệu chứng đến bệnh viện khai báo và phát hiện nhiễm SARS-CoV-2.
Trước diễn biến trên, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị những người tham gia Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để khai báo, kể cả khi không có bất cứ dấu hiệu mắc bệnh, không đợi đến khi có dấu hiệu bệnh mới đi khai báo.
Gia đình, người thân nếu biết con em mình sinh hoạt tại Hội thánh này hãy vận động họ khai báo y tế càng sớm càng tốt. Những ai có thông tin về những trường hợp liên quan đến Hội thánh này hãy cung cấp cho chính quyền địa phương.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, muốn chấm dứt chuỗi lây lan thì phải tìm ra được tất cả nguồn lây. Chính vì vậy, việc chủ động thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế là trách nhiệm của tất cả người dân, đặc biệt những người liên quan đến các chuỗi lây nhiễm đã được xác định, hãy chủ động khai báo liên quan đến nguồn lây, khai báo y tế để sớm "chặt đứt" các nguồn lây trong cộng đồng.
Tại "điểm nóng" quận Gò Vấp, từ đêm 28/5 đến nay, lực lượng y tế thành phố đã khẩn trương, "thần tốc" lấy hơn 100.000 mẫu xét nghiệm của người dân sống trong khu vực có nguy cơ cao.
Để nhanh chóng kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch với phương châm "Khẩn trương - Thần tốc - Quyết liệt - Đồng bộ- Chủ động", UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định toàn Thành phố thực hiện cách ly và giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và nâng cao một số biện pháp như: Không được tập trung trên 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; người dân (nhất là người trên 60 tuổi) chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cấp bách. UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quyết định hoãn kỳ thi lớp 10 cho đến khi có thông báo mới.
Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ, trước mắt là ở tất cả các đơn vị bầu cử có hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Mục tiêu đặt ra là lấy mẫu đơn 50.000 mẫu đơn/ngày.
Với tinh thần "Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch", Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Thời điểm này rất cần sự chung sức, hợp tác của người dân trong chấp hành nghiêm các yêu cầu, quy định để phòng, chống dịch bệnh. Người dân cần bình tĩnh, không bình luận, chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin chưa được cơ quan chức năng công bố liên quan đến tình hình dịch COVID-19 để tránh hoang mang dư luận.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong cộng đồng, mỗi người dân hãy tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền và hợp tác với ngành Y tế trong thực hiện phong toả, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; trung thực trong khai báo y tế về nguy cơ, yếu tố tiếp xúc của bản thân; khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác…thì đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực khi đến cơ sở y tế.
Tất cả biện pháp trên đều nhằm thực hiện mục tiêu: Sớm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở về nhịp sống bình thường./.
Hoàng Anh Tuấn