Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới với nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Tuy vậy, quá trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp diễn ra còn khá chậm, lực lượng lao động trong nông nghiệp còn nhiều, năng suất lao động thấp và gây lãng phí, thất thoát trong khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản đang khiến sản phẩm nông nghiệp mất đi tính cạnh tranh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030; trong đó hướng đến mục tiêu phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Vậy cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước trên thế giới và việc áp dụng đang gặp phải những khó khăn, thách thức nào? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã phỏng vấn chuyên gia nông nghiệp TS. Nguyễn Năng Nhượng...
* Thực tế cơ giới hóa trong nông nghiệp vẫn chưa mang tính đồng bộ và không đồng đều giữa các khâu trong cùng một lĩnh vực sản xuất. Theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
- Trong thời gian qua, mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp một số khâu đạt cao nhưng chưa toàn diện, mới tập trung chủ yếu một số khâu như: làm đất, chăm sóc lúa, mía; thu hoạch lúa; một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: cấy lúa, chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê. Bên cạnh đó, trang bị động lực máy nông nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân chính là quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính. Đặc biệt vẫn chưa có tiêu chí đánh giá tính đồng bộ của cơ giới hóa như đồng bộ theo chuỗi sản xuất, đồng bộ theo các khâu sản xuất.
Mô hình tổ/đội, hợp tác xã làm dịch vụ cơ giới hóa chưa phát triển mạnh trong khi lao động nông nghiệp ngày một già hóa và tập huấn, đào tạo (nhất là về sử dụng, vận hành máy) chưa được quan tâm đúng mức.
Cùng với đó, khả năng đầu tư của doanh nghiệp, hộ nông dân để mua máy móc thiết bị phục vụ cho cơ giới hóa còn hạn chế do đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rủi ro và hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp chưa đảm bảo cho phát triển cơ giới hoá, hiện đại hoá. Đặc biệt, cơ chế chính sách ban hành đầy đủ nhưng tính thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán.
* Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh việc sử dụng công nghệ cũ của các nước trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp?
- Theo Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua dụng, máy móc thiết bị nhập khẩu phải phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc theo quy định của một trong các quốc gia tại khu vực. Công suất hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; Mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế và tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm.
Vì vậy, cùng với việc quản lý việc nhập khẩu thiết bị thì cần đẩy mạnh thiết kế, chế tạo trong nước để có nhiều mẫu máy, thiết bị mới, phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam.
Việc nhập khẩu thiết bị nên giao cho các đơn vị có tư cách pháp nhân kiểm định chất lượng các máy, thiết bị cũ nhập khẩu để khuyến cáo cho người dân những máy đảm bảo chất lượng. Song song với đó, cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn để người dân mua được các loại máy cũ nhưng chất lượng đảm bảo.
* Ông kiến nghị gì để việc cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp được mở rộng và mang lại hiệu quả trong thời gian tới?
- Để cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh thì cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất bởi muốn cơ giới hóa thì cần phải có diện tích đủ lớn. Cùng với đó, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đã ban hành.
Đồng thời nhằm phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thì Chính phủ sớm ban hành, phê duyệt Nghị định về cơ giới hoá, cơ giới đồng bộ trong nông nghiệp, Đề án về cơ giới hoá, cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp. Các địa phương cần nâng cao vai trò chính quyền các cấp trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề tích tụ ruộng đất bởi thời gian qua nhiều doanh nghiệp không biết và rất khó tiếp cận với cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, chuyển giao các mẫu máy, thiết bị mới, tiên tiến cho sản xuất và cần quan tâm xây dựng các tiêu chí về đánh giá mức độ cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ để tạo cơ sở giúp đỡ doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng cần được chú ý hơn trong thời gian tới, đồng thời xây dựng các Quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đối với nguồn nhân lực đang thiếu và yếu thì cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Trung (Thực hiện)