Ở miền biên viễn với nhiều bản làng nằm ẩn khuất giữa lưng chừng trời, chợ phiên Mèo Vạc trở thành không gian văn hóa đầy bản sắc. Ngay từ tinh mơ, trong hơi lạnh của sương sớm, trên khắp các nẻo đường đã rộn ràng tiếng bước chân nhộn nhịp, tiếng nói cười vang vọng của người xuống chợ. Họ khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu khiến cho chợ phiên Mèo Vạc chẳng khác nào bông hoa rực rỡ giữa cao nguyên bốn bề đá núi.
Các loại nông sản được bày bán tại chợ phiên Mèo Vạc. Ảnh: Khánh Hòa
Chợ phiên Mèo Vạc có từ bao giờ thì chẳng rõ, chỉ biết rằng cứ chủ nhật hằng tuần, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Giáy… ở những bản làng vùng cao thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) lại xuống chợ để giao lưu, trao đổi hàng hóa. Người bán, kẻ mua không chèo kéo, nói thách, nhiều khi trao đổi hàng hóa với nhau bằng chính sản vật của mình mà không cần dùng đến tiền mặt.
Đến chợ phiên Mèo Vạc, chỉ tìm hiểu về trang phục và ngôn ngữ dân tộc thôi cũng đã là một điều thú vị không dễ gì có được. Chân bước vào đầu chợ, thấy đủ các loại sản vật địa phương như bò, trâu, lợn, gà cắp nách, cá suối, măng rừng, ngô, khoai, mật ong, thảo dược, lá thuốc… Ở một góc khác lại là các mặt hàng thiết yếu sử dụng hằng ngày như giầy dép, quần áo, hàng dệt thổ cẩm, ghế mây, dao rựa… Song, cái thú vị hơn cả khi tới chợ phiên Mèo Vạc là được “khám phá” khu ẩm thực. Với quan niệm “đến chợ để chơi”, khu ẩm thực tại chợ phiên Mèo Vạc chiếm một không gian riêng, rất rộng lớn, là nơi thu hút đồng bào và du khách nhiều nhất. Các thức quà như mèn mén, thắng cố, bánh đa nướng, bánh rán, bát phở, bát mì tôm hay bát rượu ngô thơm sực mũi khiến ai đi qua cũng muốn dừng lại nếm thử…
Không gian văn hóa chợ phiên Mèo Vạc để lại không ít cảm xúc đặc biệt. Đó là những ánh mắt ngây thơ, to tròn và sáng long lanh của con trẻ, những nụ cười hồn hậu của các chàng trai, cô gái… Với sắc màu độc đáo, chợ phiên Mèo Vạc lâu nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi có dịp tới Hà Giang - vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Khải Hoàn