Bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa nước 2 vụ cho bà con La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Bám dân, bám bản
Xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là nơi đồng bào La Hủ sinh sống. Phong tục tập quán của đồng bào còn lạc hậu, sống du canh, du cư ở những khu vực núi non hiểm trở, sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, chưa có giao lưu hàng hóa... Do vậy, đời sống đồng bào La Hủ khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Hệ thống chính trị cơ sở của Pa Ủ cũng nhiều hạn chế, đặc biệt tổ chức đảng và đảng viên ở 12 bản của xã vừa mỏng vừa yếu. Toàn xã mới có 5/12 bản có chi bộ nhưng hoạt động chưa hiệu quả, 7/12 bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ mới. Công tác phát triển đảng viên là người La Hủ khó khăn. Đội ngũ cán bộ cơ sở ở địa phương năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, hiệu quả sử dụng thấp. Một số hoạt động văn hóa truyền thống đang dần bị mai một...
Trước tình hình trên, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã tham mưu với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Mường Tè thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ”, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị xã Pa Ủ từ tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể vững mạnh. Đồn Biên phòng Pa Ủ đã tăng cường một sỹ quan giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy; lựa chọn giới thiệu 12 đảng viên là cán bộ, chiến sĩ của Đồn tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ bản gắn với phụ trách các hộ và các tổ tự quản đường biên, cột mốc và tổ an ninh trật tự. Qua đó, từng bước đưa hoạt động của địa phương đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và hoạt động của các tổ chức dần được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. 5 năm qua, đơn vị đã giúp xã phát triển 35 đảng viên mới, xóa 7 bản trắng đảng viên, 12/12 bản của xã đã có chi bộ. Đơn vị còn tham mưu lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo gần 76 lượt cán bộ xã và bản, trong đó mỗi chi bộ bản đều có cán bộ Biên phòng và cán bộ địa phương tham gia sinh hoạt.
Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Ủ cho hay: Những người lính quân hàm xanh đã đề cao trách nhiệm, bám dân, bám bản, là chỗ dựa tin cậy của đồng bào La Hủ. Bộ đội Biên phòng đã tặng con giống, làm nhà cho người nghèo, giúp trẻ có áo ấm đến trường, làm đường giao thông, xây bể nước, bồi dưỡng quần chúng vào Đảng. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị xác định khâu đột phá trong công tác vận động quần chúng là lấy “mô hình làm công tác tuyên truyền kết hợp với việc học tập ngôn ngữ địa phương, phong tục tập quán làm nòng cốt” để vận động quần chúng với mục tiêu vì nhân dân phục vụ.
Đơn vị coi trọng việc xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều việc làm thiết thực gắn với tuyên truyền, vận động bà con tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng tiềm lực và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Các mô hình có hiệu quả như: Chăn nuôi bò tập trung tại bản Tân Biên, bản Mu Chi với số lượng trên 50 con, đơn vị đã tập trung hướng dẫn nhân dân cách chăn thả, nuôi nhốt, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và mở rộng diện tích trồng cỏ voi để chăn nuôi. Hay mô hình trồng và chăm sóc hàng chục ha hoa màu các loại; hỗ trợ giúp đỡ hai hộ tại bản Hà Xi triển khai mô hình trồng lúa nước 2 vụ với diện tích trên 2 ha.
Năm 2019, lần đầu tiên, xã Pa Ủ có mô hình lúa nước vụ xuân - hè, đạt sản lượng cao hơn các vụ khác (trên 1tấn/ha). Cũng thời gian này, huyện Mường Tè tiếp tục giao cho đơn vị phát triển đàn bò hợp tác xã tại bản Hà Xi với số lượng 52 con. Từ hiệu quả bước đầu của việc thực hiện các mô hình này, đời sống của bà con La Hủ từng bước được nâng lên, đồng bào rất phấn khởi, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, an tâm định cư, ổn định cuộc sống, tin tưởng và tích cực giúp đỡ Bộ đội Biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Bà con tự giác thực hiện những việc Bộ đội Biên phòng hướng dẫn như: Vệ sinh, làm vườn rau, chăn nuôi, trồng trọt, người lớn đã biết đọc chữ, học sinh đã có ý thức tới lớp… Đến nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Tiêu chí hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều vào năm 2014 là 94%, nay đã giảm xuống còn 72%.
Giúp dân xóa đói, giảm nghèo
Không chỉ ở riêng xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Với tinh thần xung kích, trách nhiệm, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên cả nước đã triển khai nhiều phong trào, mô hình giúp nhân dân và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân.
Những người lính quân hàm xanh đã chủ động tìm cách làm, mô hình sản xuất mới để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào ở biên giới. Nhờ vậy, hàng loạt các mô hình sản xuất đã được xây dựng và nhân rộng tại nhiều tuyến biên giới, góp phần giúp đồng bào các dân tộc vùng biên phát triển đời sống, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như các mô hình chuyên canh lúa nước ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên); nuôi lợn bản địa ở huyện Quế Phong (Nghệ An); trồng chuối, dứa cao sản ở huyện Mường Khương (Lào Cai); nuôi thả thủy sản ở huyện Cát Hải (Hải Phòng)…
Theo Bộ Tư lệnh Bội đội Biên phòng, một điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng là các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng đã luôn tích cực đi đầu trong công tác an sinh xã hội, hết lòng giúp đỡ, chăm lo đời sống của nhân dân các dân tộc. Với khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tiến hành đưa cán bộ Biên phòng về tăng cường tại hơn 1.109 xã, phường, thị trấn biên giới. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh triển khai các mô hình có giá trị xã hội như “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ nông nghiệp quân hàm xanh”..., xây dựng các đề án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng về biên giới.
Đặc biệt, thực hiện phương châm “Giúp đồng bào cũng chính là giúp mình”, toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng còn ra sức hỗ trợ, giúp đỡ người dân khu vực biên giới đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, góp phần cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Xác định hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc biên giới quốc gia nên cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã luôn nỗ lực, gắng sức. Vượt lên khó khăn, toàn lực lượng đã có nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con từ phương thức canh tác, nuôi trồng đến vệ sinh xóm bản, phối hợp với chính quyền, nhân dân ở địa phương xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng thôn, bản, đồng bộ hóa và từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã có nhiều chương trình, mô hình, việc làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực hướng về đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, tiêu biểu như: Chương trình “Mái ấm biên cương” đã vận động, quyên góp xây dựng hơn 7.000 căn nhà trị giá 241 tỷ đồng; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao tặng hơn 25.000 con bò giúp đồng bào nghèo biên giới; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã cùng các cấp hội phụ nữ đỡ đầu, giúp đỡ chị em phụ nữ ở hơn 100 xã biên giới đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống….
“Những hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ xã phường quân hàm xanh”, “Chiến sĩ văn hóa quân hàm xanh” đã thực sự được nhân dân các dân tộc tin yêu, quý mến; góp phần tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, Thượng tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh.
Hạnh Quỳnh