Đất cằn sinh quả ngọt

Đất cằn sinh quả ngọt
Nông dân xã Buôn Choáh chọc lỗ - trỉa ngô
Nông dân xã Buôn Choáh chọc lỗ - trỉa ngô
Cuối mùa khô, khi những đồi đá được bao phủ bởi những bụi cây dại, gia đình anh Lý Văn Sang, ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh lại đi phát dọn, đốt để chuẩn bị mùa mưa đến là bắt đầu gieo ngô. Tro của cây dại cũng là nguồn phân tự nhiên bón cho cây ngô trong suốt thời gian phát triển.

Khi mùa mưa đến, gia đình anh Sang lại phát dọn một lần nữa và xịt thuốc trừ cỏ mới có thể xuống giống. Việc xuống giống ở đây cũng rất đặc biệt, vì toàn bộ diện tích đều phủ đầy đá, nên không còn cách nào khác là phải tìm từng khe đất nhỏ nằm lọt giữa những hòn đá để gieo hạt giống xuống. Dụng cụ lao động cũng rất đơn giản, chỉ có chiếc gậy bằng tre hoặc gỗ, một đầu được vót nhọn và bịt sắt.

Vùng đất cằn cỗi, đầy sỏi đá nên bà con cũng phải chọn giống ngô phù hợp, có thể sống, phát triển được, cho dù năng suất không cao bằng việc gieo trồng ở những vùng đất thuận lợi. Khi gieo xong, những ngày tiếp theo, bà con cũng phải thường xuyên lên thăm rẫy và canh chừng sóc, chuột ăn mất hạt giống mới gieo. Điều đáng mừng, với sự cần cù, chịu khó của nông dân, đất cằn đã sinh quả ngọt.

Theo chị Nguyễn Thị Hương Giang, ở  thôn Nam Tiến thì vụ mùa vừa qua, gia đình chị gieo được hơn 50 kg ngô giống trên vùng đất sỏi đá và thu hoạch được khoảng 30 tấn ngô hạt. Mặc dù không bằng ở các khu vực khác, nhưng cây ngô trồng trên đất đồi đá cũng phát triển tốt, ít sâu bệnh và không tốn nhiều phân bón.

Chị Giang cho biết: “Gieo trồng trên vùng đất sỏi đá tốn nhiều giống, không ngay hàng thẳng lối, vì tùy theo từng khu vực mà xuống giống cho phù hợp, thường gieo 2-3 hạt trên một hốc đất. Bù lại, công chăm sóc, đầu tư cũng không nhiều, chỉ phun thuốc diệt cỏ trước và sau khi gieo hạt là xong, còn lại để cây ngô phát triển cho đến khi thu hoạch…Vậy mà năng suất ngô cũng đạt khá lắm, tính toán cũng lên đến 5-6 tấn/ha chứ không ít”.

Theo ông Vũ Hoàng Phú, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô thì ngoài những vùng đất ruộng, đất bồi ven sông thuận lợi cho cây lúa thì diện tích đất sỏi đá trên địa bàn xã Buôn Choáh khoảng hơn 1.000 ha. Mấy năm gần đây, đồng bào các dân tộc Dao, Tày, M’nông đang tận dụng để canh tác hoa màu, chủ yếu là trồng ngô.

Dù gặp nhiều khó khăn trong việc canh tác do phải làm thủ công hầu hết quá trình trồng và chăm sóc, nhưng với sự cần cù, chịu khó, đồng bào cũng có nguồn thu nhập đáng kể. Những năm qua, nguồn thu nhập từ cây ngô góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. Cây ngô dần trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân Buôn Choáh thoát nghèo.

Cách đồi đá trồng ngô không xa là cánh đồng mẫu lúa được chính người dân nơi đây canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất và xây dựng được thương hiệu lúa gạo Krông Nô. Nói thế để thấy, những nông dân chân chất ấy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn khắc phục, nỗ lực hết mình để vươn lên, bắt đất cằn sinh quả ngọt, xây dựng cuộc sống ngày một phát triển.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm