Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại Đắk Lắk

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 1,9 triệu người, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động gần 1,2 triệu người (chiếm 58,4% dân số). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp, ngành quan tâm, tác động tích cực đến đời sống của người dân tại địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quang Thuân: Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 9/2023, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch, phương án trong đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tư vấn việc làm cho người lao động. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 92.000 người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 14.300 người. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn gần 7.000 người (người dân tộc thiểu số khoảng 6.000 người), kinh phí đào tạo gần 23 tỷ đồng.

Việc tổ chức mở lớp đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tùy theo nhu cầu người học và gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, từng vùng. Sau đào tạo, có trên 82% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số lao động, đặc biệt lao động nông thôn chưa định hướng đúng về nghề nghiệp, việc làm, dẫn đến tình trạng nhiều ngành nghề, lao động được đào tạo nhưng không phù hợp với xu hướng phát triển thị trường lao động, gây lãng phí cho xã hội.

Các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, giày da, dệt may… trên địa bàn tỉnh còn ít; các ngành, nghề phi nông nghiệp chưa phát triển, nên tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa còn chậm. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện còn thiếu về số lượng, chủng loại và lạc hậu so với sự phát triển công nghệ sản xuất hiện nay… đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả đào tạo nghề chất lượng cao.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại Đắk Lắk ảnh 1Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh, để làm tốt việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong thời gian tới cần nhiều chính sách đồng bộ. Hiện nay, Đắk Lắk đang thực hiện theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có các tiểu dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành các chương trình, hướng dẫn. Sắp tới, Sở sẽ tổ chức Hội nghị giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, cần thực hiện đồng bộ các chính sách trong lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy chính quyền địa phương, sự tham gia vào cuộc, tuyên truyền, vận động của các tổ chức hội, đoàn thể để người lao động xác định rõ ngành nghề đào tạo. Đồng thời, cần có phương án đồng bộ trong việc thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

"Tỉnh đã có Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Đắk Lắk, trên cơ sở sáp nhập hai trường Cao đẳng. Trong chương trình thực hiện Đề án về quy hoạch giáo dục nghề nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sẽ xây dựng Trường Cao đẳng Đắk Lắk thành trường đa ngành, đa nghề, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của địa phương, các tỉnh Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia", ông Nguyễn Quang Thuân chia sẻ.

Theo ông Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đắk Lắk, nhu cầu đăng ký học nghề ngày một tăng. Trường có quy mô hơn 4.400 học sinh, sinh viên, đang đào tạo 18 ngành nghề trình độ Cao đẳng, 19 Trung cấp, 21 Sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn. Là trường công lập, nên tất cả học viên đều được đảm bảo chế độ chính sách theo quy định (nội trú, miễn giảm học phí, chính sách học bổng…), nhất là đối tượng con em hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số. Thời gian tới, trường tiếp tục phát triển các ngành nghề như: Công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật, điện tử, cơ khí, chế tạo máy, công nghệ thông tin, may công nghiệp, thú y, nông lâm… với định hướng xây dựng Trường Cao đẳng chất lượng cao, trung tâm thực hành ứng dụng chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên.

Tỉnh Đắk Lắk có 44 trường đào tạo nghề, trong đó có 20 trường công lập. Giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 284.286 người gồm các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, trình độ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 35.629 người (trong đó 27.035 người dân tộc thiểu số) với kinh phí hỗ trợ trên 105 tỷ đồng.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm