Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam

Phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng bản địa chính là cơ hội khai thác tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam. Ảnh: Khánh Nguyên
Phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng bản địa chính là cơ hội khai thác tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam. Ảnh: Khánh Nguyên

Trong định hướng mở rộng không gian du lịch, tỉnh Quảng Nam hướng tới khu vực miền núi phía tây, trong đó các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Trà My có nhiều thế mạnh như: văn hóa bản địa độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh, ẩm thực phong phú… Đây là những tiền đề thuận lợi để tỉnh Quảng Nam đánh thức tiềm năng du lịch miền núi.

Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam ảnh 1Những tiềm năng và lợi thế của du lịch miền núi Quảng Nam sẽ sớm được khai thác hiệu quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập người dân địa phương. Ảnh: Khánh Nguyên

Quảng Nam có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đẹp, độc đáo gắn với rừng cùng sự phong phú của sắc màu văn hóa đồng bào các dân tộc Cơ-tu, Cor, Xê-đăng, Giẻ Triêng. Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nếu như Tây Giang còn giữ được rừng đỗ quyên cổ thụ, rừng pơ mu... thì ở Nam Trà My, “quốc bảo” sâm Ngọc Linh đã được quảng bá rộng rãi, tạo hiệu ứng tốt. Cùng với đó, cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, các khu di tích lịch sử… cũng góp phần tạo thêm sức hút cho du lịch miền núi Quảng Nam.

Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam ảnh 2Phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng bản địa chính là cơ hội khai thác tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam. Ảnh: Khánh Nguyên
Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam ảnh 3Các địa phương trong tỉnh như Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My có nhiều thế mạnh về văn hóa bản địa độc đáo, góp phần thu hút du khách gần xa đến với các điểm du lịch miền núi Quảng Nam. Ảnh: Khánh Nguyên

Nhờ các chủ trương, chính sách đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh…, Quảng Nam đã hình thành nhiều điểm đến mới như: Làng du lịch cộng đồng Cơ-tu (huyện Nam Giang), Làng du lịch Bhờ Hôồng, Đhrôồng (huyện Đông Giang), Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), làng văn hóa Cao Sơn (huyện Bắc Trà My)... Không chỉ đa dạng hóa sản phẩm du lịch giúp du khách có những trải nghiệm mới, những điểm đến này còn góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.

Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam ảnh 4Các tuyến du lịch trải nghiệm vùng cao kích thích sự khám phá của du khách. Ảnh: Khánh Nguyên

Để phát triển du lịch cộng đồng, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế FIDR (Nhật Bản) đã hỗ trợ xã Tà Bhing (huyện Nam Giang) thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Za Ra với 27 thành viên là đồng bào Cơ-tu. Theo bà Nobuko Otsuki, Trưởng đại diện FIDR Việt Nam: “Du lịch dựa vào cộng đồng thông qua Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Za Ra là hình mẫu của việc khai thác tiềm năng du lịch địa phương, bao gồm chuỗi các hoạt động tương tự mà FIDR đã triển khai ở 8/9 huyện của tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi đang nỗ lực tạo nền tảng ở một số điểm, tìm kiếm sự hợp tác từ các doanh nghiệp, chính quyền để củng cố hiệu quả cho cách làm này”.

Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam ảnh 5Các nghệ nhân của Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Za Ra trình diễn phục vụ du khách. Ảnh: Khánh Nguyên
Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi Quảng Nam ảnh 6Du khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu rừng cây di sản ở Quảng Nam. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam: “Trên cơ sở tập trung đầu tư cho phát triển du lịch, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp theo hướng kêu gọi và thu hút đầu tư. Hy vọng những tiềm năng và lợi thế của du lịch miền núi Quảng Nam sẽ sớm được khai thác hiệu quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập người dân địa phương”.

Khánh Nguyên

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm