Nhiều điểm du lịch hấp dẫn Những năm gần đây, du lịch Bát Xát hấp dẫn dân “du lịch bụi” bởi loại hình du lịch khá mới mẻ và mạo hiểm: Chinh phục đỉnh cao. Riêng Bát Xát sở hữu 3 đỉnh núi gồm Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn với độ cao trên dưới 3.000m so với mực nước biển, có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và thảm thực vật phong phú. Nếu muốn chạm tới các đỉnh này thành công du khách phải vượt những vách đá dựng đứng giữa trời và đất, băng rừng, lội suối, đường núi chênh vênh, hiểm trở. Sau khi vượt qua những chướng ngại vật khó khăn, du khách sẽ được đặt chân đến đỉnh cao nhất. Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử giống như nơi giao thoa giữa trời và đất, còn biển mây là tấm chăn bông mềm xốp khổng lồ khiến ta dễ đắm say. Chứng kiến khung cảnh đó, dường như mọi mệt mỏi đều tan biến. Ngoài thế mạnh về chinh phục đỉnh cao, Bát Xát có ruộng bậc thang ở Thề Pả, diện tích 233 ha thuộc hai xã Ngải Thầu và Y Tý được công nhận danh thắng cấp quốc gia. Tháng 9, những bậc thang lúa vàng bát ngát như muôn vàn con sóng nối tiếp xô nhau tới đường chân trời, ôm ấp các ngôi nhà đơn sơ, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Khám phá Bát Xát theo một cách khác, du khách có thể lựa chọn cung đường cua tròn như mâm xôi từ Bản Vược lên Mường Hum, Dền Sáng, Y Tý vòng về A Mú Sung với khoảng gần 200km. Cung đường này sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm đầy đủ nhất về vẻ đẹp của Bát Xát. Ngược lên Dền Sáng sẽ bắt gặp thác suối đỏ (suối tình) được dân du lịch ví như nàng công chúa ngủ trong rừng. Thác suối đỏ giữ được vẻ nguyên sơ bởi khung cảnh thơ mộng với suối chảy róc rách, tiếng chim rừng hót véo von. Đứng ở chân thác, du khách sẽ hòa mình với thiên nhiên, được ngắm dòng thác đổ xuống tung bọt trắng xóa một góc trời, tiếng nước đổ ầm ầm bên vách đá.
Vùng đất Bát Xát - Lào Cai được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng |
Vào tối thứ Tư, Chủ nhật hằng tuần có những cặp đôi trai gái người bản địa tới đây để tìm hiểu, hẹn hò. Đến Dền Sáng, du khách có thể theo chân người bản địa về bản người Dao tìm hiểu bản sắc văn hóa qua nghề làm bạc truyền thống với những hoa văn tinh tế. Nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, Y Tý thơ mộng với khí hậu mát lành quanh năm và phong cảnh đẹp làm say mê lòng người. Với đỉnh núi Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn bốn mùa mây phủ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ trên các sườn núi chính là tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch sinh thái. Ngoài phong cảnh đẹp, Y Tý còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc địa phương. Đây là nơi dân tộc Hà Nhì sinh sống đông nhất trên rẻo cao Bát Xát. Với du khách đam mê du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đến Y Tý có thể ngắm bản làng trên núi với những mái nhà trình tường của người Hà Nhì như các cây nấm khổng lồ. Cùng với đó là tìm hiểu phong tục, tập quán, bản sắc của người Hà Nhì với lễ hội cúng thần Rừng (Gà ma gio), chùm khăn, tạ thần nước, Khu Già Già được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Xuôi về A Mú Sung có cột cờ Lũng Pô-nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Từ trên cột cờ nhìn xuống, dòng sông Hồng rực đỏ phù sa đang cuồn cuộn chảy về xuôi, mang sức sống của vùng núi cao tiếp ứng cho mùa màng dưới đồng bằng thêm nặng hạt. Cột cờ Lũng Pô còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ và trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Theo thống kê, trong năm 2016, huyện Bát Xát đón 16.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước, doanh thu ước đạt 6,5 tỷ đồng. Lượng khách tập trung ở các điểm như Y Tý, Mường Hum, Ky Quan San (Sàng Ma Sáo), cột cờ Lũng Pô.Tạo điểm nhấn phát triển du lịch Bí thư Huyện ủy Bát Xát Giàng Thị Dung cho biết, xác định thế mạnh của Bát Xát là du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, huyện đã phát triển du lịch theo hướng xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia. Huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch nhằm tạo hình ảnh mới về du lịch nơi đây. Cụ thể, tập trung phát triển các điểm du lịch cộng đồng ở các xã Y Tý, Dền Sáng, Nậm Pung, Mường Hum, Bản Xèo. Hỗ trợ các gia đình làm mô hình homestay, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên tại thôn, bản. Đồng thời, xây dựng chương trình du lịch mạo hiểm leo núi Ky Quan San; xây dựng khu bảo tồn làng Hà Nhì, khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát; phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với nghề truyền thống theo chu trình khép kín…
Thế mạnh của Bát Xát là du lịch khám phá, nghỉ dưỡng... |
Đặc biệt, trong hai ngày 1- 2/9, để tạo điểm nhấn cho du lịch Bát Xát, địa phương này tổ chức Lễ hội mùa Thu năm 2017 với chủ đề “Y Tý đại ngàn”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2017 với chủ đề Lào Cai-Sắc màu Tây Bắc. Chương trình gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: Tổ chức giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, khám phá chợ phiên vùng cao, hành trình khám phá Di tích quốc gia ruộng bậc thang… hứa hẹn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hy vọng, với nhiều chính sách ưu tiên phát triển du lịch được triển khai, lồng ghép các chương trình, dự án, xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch đồng bộ sẽ tạo diện mạo mới cho du lịch Bát Xát trong tương lai. Đây cũng là lộ trình cần thiết để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giúp đồng bào vùng cao biên giới xóa đói, giảm nghèo.
Hồng Ninh- Cao Hương