Trong 8 năm qua, Mỹ đã thống trị thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu nhờ các thương vụ lớn với Saudi Arabia, Qatar và Hàn Quốc.
|
Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn Báo cáo về tình hình chuyển giao vũ khí thông thường sang các quốc gia đang phát triển giai đoạn 2007-2014 vừa được trình lên Quốc hội Mỹ cho biết: Mỹ xếp ở vị trí đầu tiên trong hợp đồng chuyển giao vũ khí trên toàn thế giới trong năm 2014 với tỷ lệ chiếm khoảng 50,4% tổng thị trường. Buôn bán vũ khí của Mỹ đến nay đã tăng 35% lên 36,2 tỷ USD trong khi năm 2013 đạt mốc là 26,7 tỷ USD. Ngoài ra, khối lượng buôn bán vũ khí của các quốc gia và khu vực cung cấp hàng đầu khác, bao gồm cả Trung Quốc, các cường quốc châu Âu và Nga, nhìn chung không có tiến triển nhiều trong khoảng thời gian điều tra của bản báo cáo. William Hartung, phụ trách các dự án an ninh và vũ khí tại Trung tâm Chính sách Quốc tế- một nhóm vận động chính sách công phi lợi nhuận- đã mô tả việc gia tăng doanh số bán hàng như là một cách để các công ty Mỹ "đối phó với việc giảm chi tiêu của Lầu Năm Góc" trong những năm gần đây do hạn chế về ngân sách. Chính những bất ổn tại Trung Đông, bao gồm sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã tạo ra "một nhận thức về mối đe dọa" mở đường cho dòng vũ khí chảy vào khu vực. Saudi Arabia và những căng thẳng của các đối tác vùng Vịnh với Iran cũng góp phần vào dòng chảy này. Báo cáo trên cũng cho biết các quốc gia đang phát triển đã ký kết các thỏa thuận vũ khí chiếm khoảng 75% giá trị toàn bộ các thỏa thuận toàn cầu. Riêng trong năm 2014, các thỏa thuận vũ khí mà các quốc gia này ký kết đã chiếm tới 86% các thỏa thuận giao dịch vũ khí toàn cầu trị giá 71,8 tỷ USD. Trong số 10 quốc gia tiếp nhận hàng đầu, phần lớn là ở Trung Đông. Sức mạnh của nền kinh tế dường như là một yếu tố quan trọng trong việc đưa ra các quyết định mua vũ khí của các quốc gia. Cũng cần lưu ý rằng các mối đe dọa bên ngoài cũng là động lực thúc đẩy đối với những quốc gia mua nhiều vũ khí nhất. Theo ông Hartung, lập luận của các nước cung cấp vũ khí, rằng "vũ khí sẽ tạo sự ổn định hoặc cân bằng quyền lực" đã thất bại vì dường như chỉ mở đường cho những rủi ro lớn hơn của cuộc xung đột. Do vậy, càng nhiều các loại vũ khí hơn đổ vào thì nguy cơ xung đột trong tương lai càng gia tăng. Giáo sư quản lý xung đột Daniel Serwer đồng quan điểm với ông Hartung rằng căng thẳng Iran và bất ổn trong khu vực là một động lực cho các quốc gia vùng Vịnh để mua vũ khí. Các quốc gia vùng Vịnh lo lắng về khả năng Mỹ rút khỏi Trung Đông sẽ tạo thêm trách nhiệm cho họ. Các hợp đồng mua vũ khí của Saudi Arabia trong giai đoạn 2007-2014 với trị giá lên đến 86,6 tỷ USD. Ấn Độ đứng sau vương quốc này với các thỏa thuận chuyển giao vũ khí trị giá 38,1 tỷ USD. Trong năm 2014, Hàn Quốc đã trở thành nước mua vũ khí hàng đầu thế giới với các hợp đồng trị giá 7,8 tỷ USD. Tiếp theo là Iraq với 7,3 tỷ USD và Brazil với 6,5 tỷ USD. Theo ông Hartung, bên cạnh việc Hàn Quốc muốn tăng cường khả năng quân sự của mình để "đề phòng" láng giềng phía bắc, còn có những nỗ lực tái cân bằng quyền lực ở Nam Á của Mỹ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng có thể khuyến khích việc bán vũ khí nhiều hơn cho Hàn Quốc. Cùng với Hàn Quốc, Pakistan và Ấn Độ cũng được xếp hạng trong số những nước "nhận" vũ khí hàng đầu. Ông Hartung khá "ngạc nhiên" về việc gia tăng mua bán vũ khí ở khu vực Mỹ Latinh vốn tương đối yên tĩnh. Brazil, đứng thứ ba trong danh sách với các hợp đồng trị giá 6,5 tỷ USD trong năm 2014, chủ yếu để mua các máy bay của Thụy Điển. Venezuela và Argentina cũng là những "khách hàng" hàng đầu trong khu vực với hơn 13 tỷ USD trong khoảng thời gian 8 năm. Báo cáo cho rằng bất chấp sự gia tăng doanh số bán hàng, song "thị trường vũ khí quốc tế chưa có khả năng phát triển". Trên thực tế, thị trường vũ khí toàn cầu trải qua năm thứ hai liên tiếp trong tình trạng chậm chạm và trì trệ. Một số nhà sản xuất vũ khí đã thông qua các biện pháp như tài chính linh hoạt, các thỏa thuận thương mại "có đi có lại", hợp tác sản xuất và cùng lắp ráp để cố gắng đảm bảo doanh số bán hàng.