Đàn tính, hát then của người Tày, Nùng trên đất Đắk Nông

Đàn tính, hát then của người Tày, Nùng trên đất Đắk Nông
“Xưởng” chế tác đàn tính

Đàn tính, hát then phát triển trên địa bàn huyện Chư Jút được khởi đầu từ “xưởng” chế tác đàn tính của ông Nông Thanh Hưu, người dân tộc Tày, trú tại thôn Nam Tiến, xã Nam Dong. Vừa gặp, ông Hưu dẫn chúng tôi ra vườn khoe những cây bầu ông trồng làm nguyên liệu chế tác đàn tính đã bắt đầu cho thu hoạch.

Ngôi nhà của ông từ lâu đã trở thành “xưởng” chế tác, cung cấp đàn tính cho người đam mê đàn tính, hát then trên địa bàn. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về quá trình chế tác nhạc cụ, những nguyên tắc, quan niệm tâm linh về tỉ lệ phải tuân thủ khi chế tác. Ông không nhớ mình đã chế tác bao nhiêu chiếc đàn tính, tặng, bán cho bao nhiêu người. Ông chỉ nhớ đã chế tác đàn tính hơn 20 năm nay.
 
“Xưởng” chế tác đàn tính của ông Hưu ở thôn Nam Tiến, xã Nam Dong (Chư Jút)
“Xưởng” chế tác đàn tính của ông Hưu ở thôn Nam Tiến, xã Nam Dong (Chư Jút)  
Ông Hưu cho biết: “Từ một người chơi ghi ta, tôi đã nắm được quy luật của bộ dây, cộng với tuổi thơ lớn lên với chiếc đàn tính. Tôi đã chế tác đàn tính phục vụ cho những người đam mê đàn tính, hát then trên địa bàn tỉnh”.

Ngoài việc chế tác đàn tính để phục vụ cho người Tày, Nùng trên địa bàn có thể đánh và hát then, ông Hưu đã sưu tầm được 26 làn điệu then của các vùng miền. Năm 2007, Câu lạc bộ (CLB) đàn tính tại xã Nam Dong được thành lập với 23 thành viên do ông Hưu làm trưởng CLB.

Sau thời gian sinh hoạt, tập luyện, CLB được cử đi tham gia liên hoan đàn tính hát then tại Cao Bằng, với bài “Khúc tâm tình Đắk Nông", ca khúc do chính ông sáng tác và đạt giải B. Ông Hưu cho biết đây là ca khúc nói về quá trình hình thành những huyện, thị của Đắk Nông, cầu nối quá khứ, hiện tại và truyền thống cách mạng của người dân trên đất Tây Nguyên.

Dựa trên những giai điệu cổ, ông Hưu đã sáng tác được khoảng 150 bài hát mới về cuộc sống, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước và khoảng 50 bài được ông chuyển lời những ca khúc dành cho đàn tính mang màu sắc Tây Nguyên. CLB dựa trên những ca khúc ông Hưu viết lời để tập và biểu diễn, chính vì thế, các bài hát mang màu sắc tươi mới, gắn với tình hình kinh tế, xã hội vùng đất và con người trên mảnh đất Tây Nguyên.

Không chỉ thành lập CLB, ông Hưu còn có sáng kiến đưa đàn tính hát then vào trường học và đã thực hiện được một khóa học đàn tính, hát then tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (xã Nam Dong). Khóa học đã mang đến cho học sinh những thú vị.

Ngoài dạy đàn tính, ông Hưu còn sáng tác các bài hát về chính ngôi trường các em học với những gì các em được học và tự hào khi các em hát về chính ngôi trường của mình.  Với những đóng góp của mình cho sự phát triển của đàn tính, hát then trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2015, ông đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.  

Niềm tự hào của người Tày, Nùng

Tại huyện Chư Jút và Krông Nô, thời gian qua, đàn tính, hát then xuất hiện khá thường xuyên trong các hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng của huyện và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của người Tày, Nùng trên địa bàn. Sau thời gian lao động, đồng bào lại bồi đắp cho món ăn tinh thần với cây đàn tính và điệu then mộc mạc chân chất và tình tứ.

Hiện nay, huyện Chư Jút có 4 CLB đàn tính hát then hoạt động khá bài bản, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Các CLB này thường đại diện cho xã, các hội đoàn thể đi tham gia biểu diễn trong các hoạt động văn nghệ quần chúng, liên hoan văn hóa, văn nghệ trên địa bàn, cũng như trong sinh hoạt của các gia đình, dòng họ. 
 
Truyền dạy đàn tính, hát then trong trường học
Truyền dạy đàn tính, hát then trong trường học
Còn tại huyện Krông Nô, các đội văn nghệ quần chúng là nơi sinh hoạt chính của các hạt nhân đàn tính, hát then. Thôn Nam Tân, xã Nam Đà (Krông Nô) có 230 hộ, hơn 1.000 khẩu, gần 100% hộ là người Tày, Nùng. Trong các hộ gia đình người dân vẫn lưu giữ được trang phục truyền thống, nhạc cụ và đặc biệt thôn duy trì việc tổ chức lễ hội lồng tồng, các sinh hoạt văn hóa đàn tính, hát then. Người dân bằng ý thức của mình đang tự gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Hằng năm người dân đã tự đóng góp kinh phí, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Phòng Văn hóa huyện để tổ chức lễ hội lồng tồng. Trong hoạt động lễ hội này đã phát hiện và nuôi dưỡng các hạt nhân văn hóa tại cơ sở. Thôn đã thành lập một đội văn nghệ làm nơi sinh hoạt cho các hạt nhân văn nghệ và tham gia các cuộc thi, hội diễn tại địa phương.

Bà Nông Thị Kiều, Trưởng thôn Nam Tân cho biết: “Chính ý thức của người dân, sự chung tay bằng những việc làm cụ thể đã tạo điều kiện cho các sinh hoạt văn hóa truyền thống tại địa phương được tổ chức thường xuyên. Những lúc mang đàn tính, hát then và các tiết mục văn nghệ lên sân khấu, tôi thấy người biểu diễn và người cổ vũ đều rất tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Hằng năm, thôn cũng lồng ghép để tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa”.

Chị Lý Thị Quế, người dân tộc Tày, biết hát, đánh đàn tính được 10 năm nay là hạt nhân văn nghệ của thôn Đắk Xuân, xã Nam Xuân (Krông Nô). Chị đã tham gia nhiều cuộc thi văn nghệ của xã, của huyện và từng đạt giải nhất Hội thi Văn nghệ quần chúng của huyện với tiết mục đánh đàn tính và hát then.

Chị Quế tâm sự với niềm tự hào: “Mỗi khi mang đàn tính, hát then đi biểu diễn, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Để duy trì sự đam mê, sau những giờ lao động, tôi thường mang đàn ra đánh để thư giãn, tải các bài hát then về điện thoại, lúc buồn lại mở nghe và học theo”. Chị Quế cũng mong muốn: “Làm sao mở được một lớp dạy đánh đàn tính, hát then tại địa phương để nhiều người cùng học, cùng tham gia và thành lập câu lạc bộ để đàn tính, hát then được sinh hoạt nhiều hơn”.

Vẫn còn đó nhưng khó khăn về kinh phí, về những bộn bề lo toan của cuộc sống nhưng văn hóa truyền thống người Tày, Nùng đang âm ỉ cháy và tạo sức lan tỏa trong đời sống hằng ngày bằng ý thức của mỗi người dân.
 
Theo baodaknong.org.vn

Có thể bạn quan tâm